Theo đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, đến cuối năm 2020, các NHTM phải đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức là HOSE, HNX và UPCoM. Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 17/31 NH đưa CP lên sàn, trong đó có 10 NH niêm yết trên HOSE, 3 NH niêm yết trên HNX và 4 NH niêm yết trên UPCoM.
Điều đáng nói là trong năm 2018, có khoảng 10 NH đã trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết CP nhưng chỉ có 3 NH thực hiện đúng cam kết, gồm NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB), NHTMCP Phát triển TPHCM (HDB) và NHTMCP Tiên Phong (TPB).
Tại ĐHCĐ thường niên 2018, HĐQT của NHTMCP Phương Đông (OCB) thông báo sẽ bỏ qua kế hoạch niêm yết trên sàn UPCoM để niêm yết thẳng trên HOSE trong quý IV và đặt ra kỳ vọng đạt vốn hóa 1 tỷ USD sau khi lên sàn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cổ đông vẫn chờ đến ĐHCĐ 2019 để thông báo về lộ trình niêm yết của NH này.
Tương tự, HĐQT của NHTMCP Nam Á (NamABank) cũng lỡ hẹn với cổ đông về kế hoạch niêm yết trên UPCoM sau khi được cổ đông thông qua tại ĐHCĐ thường niên năm 2018, nhưng ĐHCĐ 2019 vừa qua đã tiếp tục trình cổ đông niêm yết vào 2019. Với NHTMCP An Bình (ABBank), đến thời điểm hiện nay cổ đông của ABBank vẫn mịt mù thông tin niêm yết CP, dù trước đó lãnh đạo NH này đã khiến cho cổ đông mừng hụt khi công bố kế hoạch niêm yết thẳng lên sàn HOSE trong năm 2018, thay vì niêm yết trên UPCoM.
Kế hoạch niêm yết lên sàn của OCB vẫn tiếp tục lỗi hẹn.
Trên thị trường OTC, CP của các NH này gần như không biến động nhiều dù khối lượng giao dịch vẫn thuộc nhóm CP dẫn đầu thị trường. Đến cuối tuần vừa qua, OCB giao dịch quanh mức giá 15.000 đồng/CP, NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) giao dịch quanh mức giá 14.000 đồng/CP. Các NH đang giao dịch quanh mốc 10.000 đồng/CP gồm: NamABank, ABBank, NHTMCP Sài Gòn Công thương (Saigon Bank) và NHTMCP Hàng hải (MSB). Những mã CP NH có giá thấp nhất trên thị trường OTC hiện nay là NHTMCP Việt Á (VietABank), NHTMCP Đông Á (EAB).
Có thể thấy, ngoài việc phản ánh về kết quả kinh doanh, sự chênh lệch về giá và thanh khoản của CP NH trên thị trường OTC còn bắt nguồn từ những thông tin niêm yết. Thực tế, cả EAB và VietABank hiện không có bất kỳ thông tin nào về kế hoạch niêm yết CP dù thời hạn quy định đã sắp hết. Trong khi đó, những NH chưa có thông tin cụ thể về kế hoạch niêm yết như NHTMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) hay NHTMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) gần như không có bất cứ giao dịch nào trên thị trường OTC.
Có nhiều lý do khiến cho các NH chậm trễ trong việc đưa CP lên niêm yết trên TTCK. Nguyên nhân chủ quan là các NH chưa đáp ứng được các quy định khi niêm yết gồm tính minh bạch hoạt động kinh doanh, công khai báo cáo tài chính.
Trong khi đó, nguyên nhân khách quan do diễn biến thất thường của thị trường chung, khiến các NH chần chừ do lo sợ CP bị sụt giảm khi lên sàn. Tuy nhiên, lý do khách quan này không khiến cổ đông hài lòng, bởi các NH lên sàn trước đó, dù hiệu quả kinh doanh không quá chênh lệch, thậm chí còn thua kém so với những NH chưa niêm yết, nhưng vẫn ghi nhận được những kết quả hết sức tích cực sau khi lên sàn.
Đơn cử như NHTMCP Quốc tế (VIB) với lợi nhuận năm 2018 đạt hơn 2.740 tỷ đồng (gần gấp đôi năm 2017), và là 1 trong 2 NH đầu tiên được NHNN trao chứng nhận áp dụng Basel II sớm trong quản trị rủi ro. Hay NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LPB), sau khi niêm yết thành công trên UPCoM đã có kế hoạch tăng vốn và chuyển niêm yết sang HOSE.
Việc chậm trễ lên sàn của các NH không chỉ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của CP, mà còn có thể làm cản trở mục tiêu minh bạch hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của NH, ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông và NĐT. |