Ngân hàng Paribas (BNP) của Pháp hiện đang như ngồi trên lửa khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang yêu cầu BNP phải trả một khoản tiền phạt trị giá tới 10 tỷ USD, đồng thời đình chỉ giấy phép hoạt động của chi nhánh ngân hàng này tại Hoa Kỳ do vi phạm lệnh cấm vận đối với Cuba, Iran và Sudan.
Đây là một trong những khoản tiền phạt kỷ lục mà Hoa Kỳ đòi một ngân hàng phải nộp do phạm luật của Hoa Kỳ. Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, BNP đã cố tình thực hiện các giao dịch với số lượng lớn, bằng USD, trong thời gian từ năm 2002-2009 tới các quốc gia bị Hoa Kỳ cấm vận như Iran, Sudan và Cuba.
10 tỷ USD tương đương hơn 4 lần lợi nhuận của BNP trong quý I-2014. Hiện BNP đang thương lượng để được giảm khoản tiền phạt này xuống còn khoảng 8 tỷ USD. Tuy nhiên, các tờ báo Hoa Kỳ cho biết điều quan trọng là vì hình phạt này sẽ khiến ngân hàng này phải hứng chịu khủng hoảng trong chính nội bộ của mình.
Nhật báo Phố Wall - tờ báo đã khui ra thông tin BNP bị phạt - cho biết, trong khi án phạt 10 tỷ USD còn đang treo lơ lửng trước cửa, bên trong cánh cửa là những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các giám đốc bộ phận của BNP. Họ đổ lỗi và ráo riết tìm xem ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm chính, thậm chí phải từ chức. Và New York Times đã nhanh chân tìm câu trả lời ngay trong chiều 6-6.
Báo này giật title: “Giám đốc điều hành của BNP có thể sẽ phải từ chức”. Theo phân tích, sự ra đi của một trong những giám đốc cao cấp nhất của BNP sẽ làm dịu những cái đầu đang nóng của các nhà chức trách Hoa Kỳ. Theo đó khoản phạt cũng như lệnh trừng phạt được hy vọng sẽ giảm xuống, nhưng New York Times cũng cảnh báo, có thể một giám đốc từ chức vẫn chưa khiến các nhà làm luật Hoa Kỳ hài lòng.
Dưới một góc nhìn hoàn toàn khác, Nhật báo phố Wall cho rằng 10 tỷ USD phạt chưa phải là thảm họa với BNP như nhiều người nghĩ, bởi BNP có thể cắt vốn để trả phạt, nặng hơn là hoãn trả cổ tức cho cổ đông. Nhưng nếu không tuân thủ các quy định của Hoa Kỳ, BNP sẽ bị cấm dài hạn những giao dịch bằng USD.
Hậu quả những hợp đồng béo bở của những khách hàng lớn là các công ty đa quốc gia có thể bị chặn lại ngay trước cửa của BNP. Báo này kết luận với BNP lúc này, 10 tỷ USD để giữ cánh cửa ngân hàng luôn mở lại không phải là giá quá đắt. Còn Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s cảnh báo BNP sẽ đối mặt nguy cơ khách hàng bỏ đi và giảm doanh thu.
![]() |
BNP đối mặt án phạt kỷ lục. |
Trong lúc đó, dư luận Pháp tỏ ra tức giận về việc này. Tờ Le Monde gọi mức phạt này là một “cái tát ra oai”, trong tờ Le Figaro cho rằng Hoa Kỳ đang lợi dụng vụ này để làm chệch hướng những lời chỉ trích rằng họ đã khoan dung với các ngân hàng Hoa Kỳ có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng tài chính.
Còn Ngân hàng Trung ương Pháp cho rằng những giao dịch của BNP không vi phạm luật pháp của Pháp hay châu Âu. Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp thì kêu gọi chính phủ bảo vệ lợi ích quốc gia. Đảng này đã buộc tội Hoa Kỳ “tống tiền” trong một nỗ lực nhằm làm suy yếu BNP để hỗ trợ các ngân hàng đối thủ Hoa Kỳ.
“Vụ việc này là một phần trong tham vọng bá chủ của Washington trong luật pháp và thương mại. Washington có thói quen khó chịu là cố tìm cách áp dụng luật vượt quá thẩm quyền của họ và sử dụng sức mạnh của mình cho các mục đích thương mại” - Jacques Myard, luật sư Đảng UMP của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, nói.
Trước sức ép trên, chính phủ Pháp tuyên bố sẽ bảo vệ BNP khỏi án phạt 10 tỷ USD từ chính quyền của Tổng thống Obama. Cụ thể, Tổng thống Pháp, ông Francais Hollande, đã đề xuất lãnh đạo 2 nước sẽ có buổi họp vào cuối tuần này để cùng bàn cách giải quyết hợp tình, hợp lý nhất.