(ĐTTCO) - Đầu tuần này, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Luật sẽ có hiệu lực ngày 15-1-2018.
Giải trình về ý kiến của một số ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết mặc dù được kiểm soát đặc biệt nhưng hoạt động của TCTD cơ bản vẫn phải đảm bảo bình thường, do vậy sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.
Mặt khác luật cũng đã quy định HĐQT, HĐTV, ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc) có trách nhiệm quản trị, kiểm soát, điều hành hoạt động kinh doanh của TCTD được kiểm soát đặc biệt, bao gồm việc thực hiện chi trả tiền gửi bình thường cho người gửi tiền.
Một số ý kiến đề nghị quy định rõ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước được cho vay đặc biệt với lãi suất đặc biệt để hỗ trợ các TCTD bị phá sản chi trả cho người gửi tiền, sau khi bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện chi trả nhưng không đủ; cho phép hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn lực nhà nước khác để chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền cá nhân, chi trả trong trường hợp các khoản cho vay đặc biệt không thu hồi được đầy đủ do khi thanh lý tài sản của TCTD không đủ để thu hồi; đề nghị tỷ lệ chi trả cho người gửi tiền tương ứng theo số tiền gửi.
Giải trình về các ý kiến này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Điểm c Khoản 1 Điều 146 của Luật TCTD đã giao Chính phủ quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt. Việc chi trả tiền gửi vượt hạn mức, mức chi trả, nguồn chi trả đối với người gửi tiền là cá nhân trong trường hợp phá sản TCTD, sẽ tùy thuộc vào tình hình nguồn lực nhà nước theo từng thời kỳ, và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, đối với phương án phá sản, thẩm quyền quyết định chủ trương và phê duyệt thuộc Chính phủ. Chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng, khi TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác, như phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc.
Khi xây dựng phương án phá sản, quan điểm chỉ đạo chung của Chính phủ là phải đánh giá tác động kỹ lưỡng của việc phá sản đối với sự an toàn của toàn hệ thống; rủi ro tiềm ẩn đối với toàn bộ nền kinh tế cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người gửi tiền. Luật đã bổ sung các quy định để cho phép Chính phủ được áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, trật tự và an toàn xã hội khi xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Theo quy định hiện hành, người gửi tiền được chi trả bảo hiểm tiền gửi với một mức chung là 75 triệu đồng cho tất cả hạn mức gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản. Điều này có nghĩa, dù người dân gửi tiết kiệm hàng tỷ đồng, thậm chí chục tỷ hay cả trăm tỷ đồng, nếu ngân hàng phá sản cũng chỉ được chi trả cho bảo hiểm tiền gửi tối đa 75 triệu đồng.
Do đó, nếu chỉ trông chờ vào Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, người dân gửi tiền sẽ không được đảm bảo quyền lợi. Tất nhiên người gửi tiền không chỉ trông chờ vào bảo hiểm tiền gửi mà phần nhiều trông chờ vào tiền thu được từ hoạt động thanh lý tài sản ngân hàng khi phá sản.
Nhiều câu hỏi đã được các đại biểu đặt ra là để có thể bảo vệ người gửi tiền, việc công khai xếp hạng các ngân hàng thương mại như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế thực hiện định kỳ. Tuy nhiên, theo dự thảo thông tư quy định về xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến, cơ quan quản lý sẽ xếp hạng các TCTD làm 5 nhóm nhưng không công khai, chỉ thông báo cho từng ngân hàng với lý do nhạy cảm.
Còn với người gửi tiền, họ chỉ có thể biết về mức độ tín nhiệm của các ngân hàng thông qua các hãng định mức tín nhiệm nổi tiếng trên thế giới như Standard & Poor’s, Moody’s Investor Service và Fitch Ratings. Hay phần nào là CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report). Song, những thông tin này chưa đầy đủ và toàn diện.
Việc phá sản của ngân hàng cũng là chuyện bình thường. Ngân hàng nào làm tốt thì tồn tại và ngược lại cho phá sản. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để cho người dân có điều kiện tiếp cận, biết được thông tin giúp họ lựa chọn ngân hàng tốt, hoạt động có hiệu quả, tạo được lòng tin để gửi tài sản của mình vào đó.