“Trong bối cảnh môi trường cạnh tranh với các DN nước ngoài ngày càng khốc liệt hơn do nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng, DN Việt Nam phải khẳng định được bản lĩnh vượt khó, từ linh hoạt chính sách bán hàng đến điều chỉnh kịp thời chiến lược kinh doanh”. Đó là khẳng định của ông Dương Quốc Thái (ảnh), Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Sài Gòn (Saplastic), khi trao đổi với ĐTTC.
PHÓNG VIÊN: - Là một DN Việt nhưng ông lại được Chính phủ Pakistan bổ nhiệm làm Tổng Lãnh sự danh dự tại Việt Nam. Vậy ông có kế hoạch gì để đẩy mạnh mối quan hệ giữa 2 nước?
Ông DƯƠNG QUỐC THÁI: - Vinh dự này không phải của riêng tôi, mà là của cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong thời điểm hiện nay, khi thể diện quốc gia là phạm trù mọi công dân Việt Nam đều có nghĩa vụ hướng đến. Là doanh nhân, chúng tôi ý thức rất rõ việc này và mọi hoạt động đều hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh.
Trong vai trò là Tổng Lãnh sự danh dự của Pakistan, chúng tôi có những kế hoạch xúc tiến kinh tế, văn hóa, thương mại giữa 2 nước, mở ra 2 đầu cầu thương mại, như: Thành lập Trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa tại TPHCM và TP Karachi, nhằm tạo điều kiện cho doanh nhân, công dân 2 nước có cơ hội tìm hiểu và phát triển giao thương về mọi mặt một cách toàn diện nhất; đệ trình Chính phủ 2 nước kế hoạch kết nghĩa các TP lớn, đồng thời mở các đường bay thẳng 2 chiều Karachi-TPHCM và Islamabad-Hà Nội nhằm rút ngắn khoảng cách địa lý và thương mại; đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước trên một số lĩnh vực trọng yếu như nông nghiệp, công nghiệp, công nghiệp nặng, y tế, giáo dục, môi trường, du lịch…; phát triển du lịch giữa 2 quốc gia, nhất là du lịch văn hóa - tâm linh, vì Pakistan có nhiều di tích lịch sử về Phật giáo và Hồi giáo.
- Ông nhận định thế nào về tiềm năng hợp tác giữa 2 nước?
- Tôi cho rằng tiềm năng kinh tế của Pakistan chưa được khai thác hết trong quan hệ thương mại song phương. Pakistan mạnh về công - nông nghiệp, nhất là bông vải và dầu mỏ. Trong khi đó, họ cần nhập khẩu hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó có sản phẩm ngành nhựa.
Doanh nhân Việt Nam cần nắm bắt cơ hội, khai thác thế mạnh xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó yêu cầu về pháp lý, kiến thức kinh nghiệm về pháp lý cần được nắm bắt sâu rộng nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thương mại giữa 2 bên.
- Trong vài năm qua kinh tế thế giới khủng hoảng, rất nhiều DN Việt Nam phải lao đao. Công ty ông có gặp khó khăn gì và định hướng của Saplastic?
- Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã có nhiều tác động tiêu cực. Chúng ta có khó khăn, có chướng ngại cần phải vượt qua, tuy nhiên các chính sách vĩ mô của Nhà nước về nguyên tắc luôn hỗ trợ sát sao các DN làm ăn chân chính. Doanh thu giảm hay tăng tùy bản lĩnh vượt khó của DN.
Ở đây tôi muốn đề cập đến tính linh hoạt trong các chính sách bán hàng, đến sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh của DN trong những thời điểm nhạy cảm, khó khăn. Đó mới chính là chìa khóa để DN vượt qua rủi ro.
Nắm bắt cơ hội và đó cũng là chính sách mà tôi đang áp dụng ở công ty mình. Chẳng hạn các DN nước ngoài đã bắt đầu khởi động trong ngành bao bì nhựa, mình phải tìm hiểu xem họ bán gì ở thị trường Việt Nam. Đó là một câu hỏi lớn mà không phải ai cũng có lời đáp.
Những năm sắp tới (2015-2020), ý tưởng trở thành tập đoàn nhựa đa lĩnh vực vẫn thôi thúc, nung nấu hoài bão của tôi. Do vậy phải biết liên kết, liên danh một cách hết sức trung thực và sòng phẳng giữa các DN đối tác để đạt được hoài bão này, nhằm tạo nên thương hiệu Bao bì Việt Nam nhìn ra thương trường khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi đặc biệt chú ý nuôi dưỡng và phát triển nguồn lực con người.
Saplastic khởi nghiệp chỉ có 1 tỷ đồng cách nay 13 năm. Nếu không có những con người vừa mang tính hoài bão, vừa có tố chất thép trong bản lĩnh để hình thành nên hệ thống thị trường phù hợp, có lẽ Saplastic chẳng đứng vững nổi 6 tháng sau khi thành lập.
- Xin cảm ơn ông.