Điểm đáng lưu ý trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN là việc kinh doanh thua lỗ. Năm 2019, có 12.455 DN báo cáo lỗ (chiếm tỷ lệ 55%) với tổng giá trị lỗ là trên 131.000 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh thu của các DN báo lỗ là gần 847.000 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2018.
Một số nhóm ngành trong 2 năm liên tiếp, lỗ trước và sau thuế, số lỗ năm trước nhiều hơn năm sau là: Sản xuất sắt, thép và kim loại khác; Dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khí và sản phẩm hóa chất; Viễn thông, phần mềm. Đến hết năm 2019, số DN báo lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính là 14.822 DN (chiếm tỷ lệ 66%) với tổng giá trị lỗ là 520.000 tỷ đồng, tăng 26% số DN có lỗ lũy kế và 23% về giá trị lỗ lũy kế so với năm 2018; tổng tài sản của các DN lỗ lũy kế là gần 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 13%; doanh thu hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 20%.
Điều đáng chú ý, số DN lỗ mất vốn là 3.545 DN, với tổng giá trị vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính âm gần 104.000 tỷ đồng. Nhưng, trong số này, có 2.160 DN doanh thu vẫn tăng trưởng.
Năm 2019, 2 DN lớn nhất trong nhóm ngành “Sản xuất sắt, thép và kim loại khác” là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và Công ty cổ phần Thép Posco Yamoto Vina có tình hình tài chính không lành mạnh, kết quả sản xuất kinh doanh suy giảm, đóng góp vào ngân sách nhà nước hạn chế. Số lỗ của Formosa Hà Tĩnh là hơn 11.500 tỷ đồng - gấp 4,2 lần năm 2018; Thép Posco Yamoto Vina lỗ 2.780 tỷ đồng - cao hơn mức lỗ gần 1.100 tỷ đồng năm 2018. Các DN trên có tổng doanh thu tăng từ hơn 77.400 tỷ đồng năm 2018 lên trên 82.000 tỷ đồng năm 2019 nhưng nộp ngân sách giảm từ 101 tỷ đồng xuống 92,6 tỷ đồng. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, đóng góp của 2 DN này cho ngân sách chưa tương xứng với những ưu đãi về đất đai, thuế…
Những số liệu cụ thể nêu trên cho thấy, hiệu quả sử dụng tài sản vốn đầu tư tại các DN có vốn ĐTNN nhìn chung thấp, chưa phát huy hết tiềm lực của DN; các chỉ tiêu khả năng sinh lời của một số lĩnh vực còn âm, nộp ngân sách chưa tương xứng với ưu đãi. Số DN có lãi chiếm tỷ lệ ít, mới đạt 45% DN. Nhiều DN có số lỗ lớn và liên tục trong nhiều năm. Những số liệu nêu trên cũng cho thấy, có tình trạng DN chuyển giá, trốn thuế. Điều đó thể hiện qua việc DN luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng, gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Thực tế trên cho thấy, Bộ KH-ĐT cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng về chính sách ưu đãi đầu tư theo quy mô dự án và địa bàn, đồng thời có nghiên cứu và đề xuất chính sách thu hút ĐTNN trong thời gian tới theo hướng chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu như Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị (về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030).
Cùng với đó, Bộ Tài chính cần chỉ đạo ngành thuế tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với DN có vốn ĐTNN có dấu hiệu chuyển giá… Rõ ràng, với kết quả hoạt động của một số DN ĐTNN nêu trên, chúng ta cần quyết liệt hơn trong thay đổi tư duy và hành động trong việc lựa chọn DN ĐTNN chất lượng cao; ưu đãi ĐTNN có chọn lọc; gắn thu hút ĐTNN với chuyển giao công nghệ…