Phải ưu tiên năng lượng tái tạo

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS. CẤN VĂN LỰC, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho rằng năng lượng tái tạo (NLTT) hiện có nhiều dư địa cho đầu tư phát triển, nhưng song hành với đó cũng là những rủi ro, thách thức tiềm ẩn.

Điện gió Quảng Trị.
Điện gió Quảng Trị.
PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về xu thế đầu tư phát triển NLTT ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt sau khi được Chính phủ khuyến khích?
TS. CẤN VĂN LỰC: - Phát triển NLTT rất cần thiết, bởi nó liên quan đến phát triển bền vững và yếu tố môi trường được đảm bảo hơn. Đây cũng là một xu thế đang phổ biến trên thế giới. Đối với Việt Nam, phát triển NLTT sẽ là một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống, vừa nhằm bảo vệ môi trường, vừa để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sự phát triển. Tuy nhiên, với nhiều thách thức, khó khăn đặt ra, thúc đẩy NLTT không phải chuyện dễ dàng.
Hiện nay, các dự báo chỉ ra rằng từ nay đến năm 2030, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao 6,5-7,5%/năm. Như vậy, ưu tiên cao phải được dành cho đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước một cách bền vững.
Ngoài ra, theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000MW năm 2030 so với 47.000MW hiện nay. Như vậy, khoảng 83.000MW nguồn điện mới cần được bổ sung từ nay đến 2030, cùng với đó là các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối.
- Mức độ hấp dẫn của lĩnh vực NLTT đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các ngân hàng như thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua, lĩnh vực NLTT đã thu hút được nhiều kênh đầu tư, trong đó có cả kênh ngân hàng. Có thể kể ra một số chương trình đáng chú ý như mô hình “tín dụng xanh” của Ngân hàng Nhà nước với tổng vốn 2.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại 1-3%, mô hình tài chính xanh, trái phiếu xanh, ngân hàng xanh.
Ngoài ra còn một số dự án tài trợ cho phát triển các dự án NLTT như chương trình Get Fit do CHLB Đức hỗ trợ dự án năng lượng mặt trời, năng lượng gió… Điều này cho thấy cơ hội và dư địa đầu tư vẫn còn nhiều đối với thị trường này, nhất là Việt Nam lại là một đất nước nhiệt đới, lượng ánh nắng mặt trời cũng như lượng gió khá phong phú và được đánh giá nhiều tiềm năng.
Đặc biệt, Nhà nước có chủ trương thúc đẩy phát triển lĩnh vực NLTT và điều này cũng phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Bởi trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng GDP bình quân 6-7%, đi kèm với đó nhu cầu điện năng cũng tăng trên 13% trong giai đoạn 2000-2010, trên 11% cho giai đoạn 2011-2016, và năm 2018 vừa qua trên 10%. Trong khi nhiệt điện, thủy điện đang gặp nhiều thách thức để phát triển, rõ ràng NLTT sẽ là lĩnh vực chủ đạo để bù đắp cho khoản thiếu hụt năng lượng.
- Theo ông, việc đầu tư vốn để phát triển các dự án NLTT hiện nay sẽ đối mặt với những rủi ro nào, khi nguồn vốn này không có sự bảo lãnh từ Chính phủ?
- Rủi ro đầu tiên là hiện nay chủ đầu tư các dự án NLTT chưa có kế hoạch thực sự mang tính bền vững, chưa có dự án khả thi và thuyết phục được phía cho vay vốn. Thêm vào đó, quản trị điều hành đối với các dự án NLTT hiện vẫn còn rất mới đối với các nhà đầu tư, trong khi đó doanh nghiệp trong nước chưa có sự học hỏi một cách bài bản về quản trị những dự án mới này. Ngoài ra, năng lực về quản lý dòng tiền, quản lý tài chính, lập kế hoạch chiến lược lâu dài của doanh nghiệp Việt cũng chưa thực sự tốt.
Về phía các tổ chức tài chính ngân hàng, lĩnh vực đầu tư cho NLTT cũng tiềm ẩn rủi ro cao, bởi đây là lĩnh vực đầu tư hoàn toàn mới mẻ, nhiều ngân hàng rất lúng túng do chưa có đủ năng lực để thẩm định đánh giá ngay được.
Tôi lấy đơn cử tại BIDV, khi đầu tư vốn cho dự án NLTT, ngân hàng đã phải triển khai rất nhiều chương trình đào tạo, thậm chí thuê cả chuyên gia nước ngoài để đào tạo các cán bộ ngân hàng về năng lực thẩm định đối với các dự án NLTT. Bởi rõ ràng lĩnh vực đầu tư NLTT hoàn toàn mới, có tính chất đặc thù so với các lĩnh vực đầu tư truyền thống. 
Ở phạm vi rộng hơn, có thể nói rủi ro về chính sách của Việt Nam hiện nay rất lớn, mà NLTT cũng nằm trong số đó. Bởi đầu tư cho các dự án NLTT mới chỉ xét rủi ro đầu vào, còn rủi ro đầu ra cũng rất lớn, lại chưa được chú ý đánh giá nhiều. Cụ thể, hiện nay giá điện vẫn đang bị Nhà nước khống chế và chi phối, chưa tuân thủ theo nguyên tắc thị trường.
Vì thế, nếu giá bán điện thấp sẽ không hấp dẫn được nhà đầu tư tham gia các dự án phát triển NLTT. Nhưng nếu giá bán điện cao có thể lại gây ra phản ứng, thậm chí tác động ngược lại một số ngành kinh tế khác. Theo tôi, đây là bài toán khó về cân đối giữa kinh tế và chính sách, đòi hỏi chúng ta phải tập trung tháo gỡ.
- Xin cảm ơn ông. 
 Tính cuối năm 2018, Việt Nam đã đưa vào vận hành phát điện 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212MW. 
Về ĐMT, có khoảng 10.000MW được đăng ký, trong đó có 8.100MW được bổ sung quy hoạch, 2 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86MW. Tổng công suất nguồn điện từ NLTT đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.

Các tin khác