Hồi ký Võ Nguyên Giáp trọn bộ dày 1.358 trang, phần do nhà văn Hữu Mai thể hiện chiếm 1.136 trang. Lâu nay, hễ nhắc đến hồi ký Võ Nguyên Giáp công chúng nhớ ngay công ghi chép của nhà văn Hữu Mai. Để có được hồi ký của vị Đại tướng lừng lẫy nhất lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại, nhà văn Hữu Mai đã dành 30 năm cặm cụi gặp gỡ, hỏi chuyện trực tiếp và tìm kiếm tư liệu liên quan đến nhân vật huyền thoại. Những cuốn sách tiêu biểu trong hồi ký Võ Nguyên Giáp có thể kể đến “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường đến Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”.
Hồi ký Võ Nguyên Giáp không chỉ phác thảo tương đối đầy đủ cuộc kháng chiến chống Pháp, còn hình thành tình bạn đặc biệt giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai. Khi Đại tướng còn tại thế, những hồi ký ngoài việc ghi “Hữu Mai thể hiện”, Đại tướng còn chia nhuận bút cho nhà văn theo tỷ lệ 50/50. Bây giờ, cả 2 người đều đã khuất núi và không hề có bất kỳ giao kèo nào về bản quyền bằng giấy trắng mực đen.
Mới đây, Nhà xuất bản Thông tin - Truyền thông đã in lại “Đường tới Điện Biên Phủ” và “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, với sự đồng thuận của đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ông Võ Điện Biên. Cảm thấy bản quyền của cha mình đã bị tước đoạt, các con của nhà văn Hữu Mai đã phản ứng gay gắt, khiến nhà xuất bản này phải tạm ngừng phát hành và đơn phương chấm dứt hợp đồng xuất bản với ông Võ Điện Biên.
Con trai cả của nhà văn Hữu Mai là ông Trần Hữu Bình (bút danh Bình Ca, tác giả “Quân khu Nam Đồng” và “Đi trốn"), cho biết: “Theo luật Sở hữu trí tuệ, cha tôi và Đại tướng là đồng tác giả các cuốn hồi ký này. Từ khi 2 ông mất, anh Võ Điện Biên - đại diện gia đình Đại tướng đã không chấp nhận nhà văn Hữu Mai là đồng tác giả, khi không ký vào hợp đồng xuất bản nếu trong đó có đại diện gia đình nhà văn Hữu Mai. Vì vậy các nhà xuất bản không thể in sách khi thiếu chữ ký cho phép của một trong 2 đồng tác giả theo luật định”.
Hồi ký Võ Nguyên Giáp thực sự rất khó phân định bản quyền một cách rạch ròi. Bởi lẽ, giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai không chỉ là quan hệ giữa người kể và người ghi, còn là quan hệ những người cách mạng có tình đồng chí gắn bó. Cho nên, nếu không có sự thấu hiểu và sự chia sẻ giữa đại diện gia đình 2 bên, gần như khái niệm “đồng tác giả” không thể giải quyết.
Về mặt định danh, tác giả của mỗi hồi ký chính là nhân vật. Tự viết hoặc thuê người viết là thái độ hành xử riêng của nhân vật, với tư cách tác giả chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin do mình đưa ra. Nhân vật đứng tên trên hồi ký, còn tên người thực hiện chỉ ghi chú với ý nghĩa “lạc khoản”. Thông lệ là vậy, bởi độc giả chỉ định vị hồi ký đúng với thân phận của nhân vật kể lại đời mình. Trong vài năm gần đây, hồi ký hay tự truyện được xuất bản rất nhiều, với phần bản quyền được xác lập cụ thể hơn.
Hoặc nhân vật trả tiền một lần cho người viết rồi tự mình định đoạt tất cả các việc tiếp theo, hoặc nhà xuất bản trả tiền một lần cho nhân vật, còn bản quyền cho các lần in dù nối bản hay tái bản đều thuộc về người viết. Hồi ký viết thuê như một dịch vụ chữ nghĩa, bao giờ cũng dễ giải quyết hơn hồi ký có sự tương giao và đồng cảm giữa người kể với người viết.
Với hồi ký Võ Nguyên Giáp, không ai có thể khẳng định nhà văn đã viết theo “đơn đặt hàng” của Đại tướng, hay Đại tướng gợi ý “đồng tác giả” với nhà văn. Rắc rối nảy sinh ở đây, bởi lẽ Đại tướng có cả đội ngũ thư ký và giúp việc, liệu họ có tham gia quá trình biên soạn hồi ký hay không, lại là câu chuyện khác. Ông Võ Điện Biên cho rằng cha mình được phép đứng tên duy nhất trên hồi ký, cũng không quá khó lý giải.
Lúc sinh thời, nhà văn Hữu Mai (1926-2007) từng kể về công việc thực hiện hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Có được 2 chữ “thực hiện” không dễ dàng. Một số người giúp việc Đại tướng không đồng ý 2 chữ này. Đại tướng lắng nghe trao đổi giữa tôi và họ rồi giơ ngón tay lên, nói dứt khoát: Tôi đồng ý”. Còn con trai thứ của nhà văn Hữu Mai là nhà thơ Hữu Việt nhớ lại: "Những lần bố tôi làm việc về các tập hồi ký với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mẹ tôi là người đọc lại bản thảo để Đại tướng góp ý, chỉnh sửa, thông qua. Không chỉ đọc, đôi khi bà còn góp ý cụ thể từng câu, từng chữ…”.
Nếu vì tranh chấp giữa những người thừa kế, hồi ký Võ Nguyên Giáp không thể đến với bạn đọc, cũng là sự ngậm ngùi đáng tiếc. Nhà văn Trần Hữu Bình tâm sự: “Vì câu chuyện liên quan đến cha tôi và Đại tướng nên gia đình chúng tôi đã cân nhắc và suy nghĩ về vấn đề này rất thận trọng.
Chúng tôi nhận thấy với nhà văn, điều quan trọng nhất là tác phẩm được đến tay bạn đọc. Bộ hồi ký của Đại tướng có thể coi là bộ sử thi về cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại của dân tộc, là tài liệu cho các thế hệ sau tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử của đất nước, nếu không được in ra nữa thật đáng tiếc.
Nhưng nếu chỉ vì mong muốn những cuốn sách cha viết đến được với bạn đọc mà bắt ông bỏ cái quyền duy nhất của người cầm bút là “quyền tác giả”, liệu có đúng? Vì vậy, dù rất thiện chí và mong muốn bộ hồi ký của Đại tướng được tiếp tục in, nhưng gia đình chúng tôi cho rằng nó phải được phát hành theo đúng quy định của pháp luật và tôn trọng quyền tác giả của nhà văn”.
Ông Trần Hữu Bình tiết lộ thêm: “Thực ra, cha tôi có dự định viết cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó sẽ là cuốn sách của ông, không phải là hồi ký của Đại tướng do ông thể hiện. Ông đã chuẩn bị rất kỹ cho cuốn sách này. Nhưng rồi cha tôi cứ lần lữa mãi không viết. Giờ cả cha tôi và Đại tướng đã đi vào cõi vĩnh hằng. Dù tư liệu của cha để lại vẫn còn nguyên vẹn, nhiều người khuyên anh em chúng tôi nên viết tiếp, nhưng chúng tôi nhận thấy chỉ cha tôi mới là người có thẩm quyền làm điều đó. Nếu cha đã không làm chúng tôi sẽ tuân theo ý nguyện của cha. Đó sẽ là cuốn sách không bao giờ được viết”.