Đến nay NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ theo hướng chặt chẽ và thận trọng với chỉ tiêu tăng tín dụng dưới 20%, tăng tổng phương tiện thanh toán 16%. Tôi cho rằng chính sách chung từ nay đến cuối năm không vi phạm 2 ngưỡng này. Tuy nhiên, cũng cần phải xem lại việc nên thận trọng, chặt chẽ ở chỗ nào, đồng thời cũng phải linh hoạt ở chỗ nào.
Ở đây vấn đề cần xem xét là bơm tiền lúc nào cần thiết chứ không phải rải đều trong năm. Hiện nay cung tiền ở mức thấp, có thể tăng phần này vào những tháng cuối năm để tăng cung tín dụng. Về một số ý kiến nói tăng trưởng tín dụng 20% và tổng phương tiện 16% trong năm nay là không đủ, theo tôi tăng 20% tương đương tổng dư nợ tín dụng tăng thêm 460.000 tỷ đồng thực tế không thiếu vì tăng lên, số nợ cũ vẫn còn.
Vấn đề quan trọng là tái cấu trúc lại nợ. Trong đó buộc các NHTM phải cơ cấu lại lĩnh vực cho vay phù hợp với chủ trương chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên chính sách cho các NHTM không nên đồng đều, mà cần có sự phân định rõ “sức khỏe” từng NH.
Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam khó khăn do lãi suất quá cao nhưng đó chưa phải là cái khó căn cơ. Cái khó nhất là doanh nghiệp nước ta vẫn chưa thể dựa vào một nền kinh tế có sức cạnh tranh để hưởng lợi. Bản thân các doanh nghiệp cũng thay đổi quản lý dòng tiền khi lãi suất vay cao, các doanh nghiệp sẽ tăng phần vốn đối ứng khi vay NH lên.
Trước đây vốn doanh nghiệp - NH tương ứng 30-70 với chi phí tài chính hiện nay các NHTM có thể nâng lên 40-60. Tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ giải quyết vấn đề thanh khoản tiền đồng của các NHTM nên có những đối sách ứng xử cho từng NHTM, không nên cào bằng để tạo thanh khoản.
Lãi suất trần huy động 14%/năm là chuyện chẳng đặng đừng. Thật sự theo Luật NHNN phải tiến tới thị trường hóa quan hệ tín dụng và NHNN gián tiếp can thiệp thị trường bằng các công cụ tiền tệ. Nhưng khoản 2 của Luật NHNN có quy định trong trường hợp bất thường, NHNN có thể sử dụng biện pháp hành chính.
Vừa rồi cũng có ý kiến tại sao không đặt trần cho vay mà lại đặt trần huy động. Quan điểm của tôi cái gốc vấn đề là NHNN giải quyết cung cầu của thị trường, còn về hành chính các NHTM cũng sẽ biến hóa cộng phí nọ, phí kia giống như từng xảy ra trước đây.
Chúng ta không nên đi con đường đó mà nên sớm ổn định thị trường lãi suất để tiến tới bỏ trần lãi suất huy động. Vì biện pháp hành chính là nhất thời hỗ trợ thị trường trong bối cảnh đặc biệt.