Phân loại DNNN để tái cấu trúc

* Tiến tới chấm dứt DNNN đầu tư trái ngành

 * Tiến tới chấm dứt DNNN đầu tư trái ngành

Cuối tuần qua, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2012. Điểm đáng chú ý tại hội nghị là Bộ Tài chính đã đưa ra một số giải pháp cụ thể trong việc chia nhóm DN và các biện pháp tái cấu trúc DN nhà nước (DNNN).

Chia 4 nhóm DNNN

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, dựa trên tiêu chí phân loại DNNN sẽ được chia theo 4 nhóm. Nhóm 1 là các DN Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hệ thống cơ sở hạ tầng then chốt, các ngành độc quyền Nhà nước cần kiểm soát.

Nhóm 2 gồm các DN Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tuyệt đối, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng với tỷ lệ nắm giữ 75% vốn điều lệ (ngành, dịch vụ cung cấp sản phẩm công ích, các DN đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, xa).

Nhóm 3 gồm các DN Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ 65% (gồm các DN quy mô lớn, có đóng góp lớn cho ngân sách, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mũi nhọn, công nghệ cao và có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường). Nhóm 4 là các DN Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ.

Thị trường BĐS mấy năm qua như thỏi nam châm hút nhiều DNNN nhảy vào. Ảnh: LÃ ANH

Thị trường BĐS mấy năm qua như thỏi nam châm hút nhiều DNNN nhảy vào. Ảnh: LÃ ANH

Giải pháp cơ bản được Bộ Tài chính xác định trên cơ sở phân loại từng nhóm. Cụ thể, với nhóm 1 sẽ tiến hành tái cấu trúc về chiến lược, mô hình tổ chức, quản trị nội bộ, tài chính, nhân sự để nâng cao hiệu quả. Nhóm 2 và 3 sẽ theo trình tự: tái cấu trúc trước, cổ phần hóa rồi tiếp tục tái cấu trúc sau cổ phần hóa.

Với nhóm 4, giải pháp sẽ là đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước ở những DNNN không cần nắm giữ cổ phần chi phối.

Cổ phần hóa công ty thành viên đồng thời với công ty mẹ hoặc trước công ty mẹ. Các DNNN hiện đang bị thua lỗ kéo dài, không có khả năng hồi phục sẽ tiến hành giải thể, phá sản, mua bán, chuyển nhượng phần vốn.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, các giải pháp chủ yếu để thực hiện tái cấu trúc là đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN; có cơ chế thu hút mạnh hơn các nhà đầu tư chiến lược lớn trong và ngoài nước; có giải pháp đồng bộ phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán và thị trường mua bán nợ; hoàn thiện mô hình hoạt động, nâng cao năng lực quản lý đầu tư, tài chính của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ (DATC)…

Giám sát chặt DNNN

Một điểm quan trọng để nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị DNNN, theo Bộ Tài chính là tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc từng DN, tập đoàn, tổng công ty cho phù hợp với năng lực quản lý; giám sát và quản trị theo hướng các tập đoàn kinh tế tập trung đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính và các ngành nghề kinh doanh phụ trợ hoạt động kinh doanh chính; chấm dứt tình trạng các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015.

Bên cạnh đó nghiêm cấm các tập đoàn, tổng công ty phi tài chính đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản.

Cũng theo Bộ Tài chính, để nâng cao năng lực quản trị DNNN, tập đoàn, tổng công ty, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định về quản trị DNNN trên cơ sở vận dụng các nguyên tắc, thông lệ quản trị tốt nhất của thế giới về quản trị DNNN.

Trong đó, sẽ quy định cụ thể những nội dung về vai trò chủ sở hữu Nhà nước; đảm bảo đối xử bình đẳng với cổ đông; DNNN phải có ban kiểm soát nội bộ bao gồm các thành viên độc lập đủ năng lực, không kiêm nhiệm; quy chế công bố thông tin theo tiêu chuẩn như các công ty niêm yết…

Theo dự kiến, năm 2012 đề án chi tiết về tái cấu trúc sẽ được xây dựng, trong đó sẽ phê duyệt và giao triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty cùng các phương án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN của các bộ, ngành, địa phương.

Giai đoạn 2012-2015 sẽ thực hiện cơ cấu xong nợ của DNNN; thực hiện cổ phần hóa xong những DNNN được duyệt; hoàn thiện thể chế quản lý DNNN, tăng cường năng lực quản trị DNNN; hoàn thiện việc thoái vốn vào năm 2015. Giai đoạn 2015-2020 sẽ tiếp tục sắp xếp lại, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty.

Các tin khác