Đây là cơ sở để các địa phương triển khai hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn theo lộ trình chậm nhất đến ngày 31/12/2024. Thời gian liệu có đủ để thực hiện kế hoạch đúng thời hạn Luật định?
Bà Nguyễn Thị Hương sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội kể rằng: Đoàn thanh niên trong xóm cũng đã tới khảo sát việc phân loại rác tại các hộ gia đình nhưng vẫn chưa có thông báo mới. Việc phân loại rác không có gì thay đổi dù chính bà cũng hạn chế tối đa sử dụng nilon, nhựa một lần:
"Phần đa tôi hay mang hộp ở nhà đi mua, mang muối đi rửa. Chỉ có rác rau củ, vỏ hoa quả là cho vào túi nilon bỏ ra chỗ thùng rác công cộng, vứt chung tất cả các loại. Người ta vẫn vứt tùm lum đấy theo thói quen từ xưa tới nay. Tất cả đồ đi chợ, túi nilon, vỏ các loại vứt chung vào túi", bà Hương cho biết.
Các khu chung cư ở đô thị cũng trong tình cảnh tương tự. Người dân vẫn bỏ chung các loại rác vào một thùng đựng duy nhất, kể cả những nơi có sẵn thùng rác phân loại.
Chị Lê Thùy Dung sống tại khu chung cư trên đường Nguyễn Trãi cho biết: "Các gia đình để vào túi đựng rác, buộc chặt vứt chung luôn chứ không phân loại rác hữu cơ, vô cơ đâu. Đáng lẽ phải thiết kế các 3 loại thùng rác tại các tầng nhưng chắc tốn kém nên các nhà thầu họ không làm".
Thời gian qua, các đô thị lớn đã triển khai nhiều mô hình nhưng công tác phân loại rác tại nguồn vẫn ì ạch. Một trong những băn khoăn lớn nhất của người dân là hệ thống thu gom chưa đáp ứng được nhu cầu này. Kể từ lực lượng thu gom cho tới phương tiện vận chuyển chưa được cải tiến, nâng cấp phù hợp với yêu cầu mới.
Một công nhân vệ sinh môi trường chi nhánh Urenco Ba Đình nêu ý kiến: "Ở đây chưa làm phân loại nên người ta chưa biết. Muốn phân loại phải có túi nào ra túi đấy. Địa bàn này chưa triển khai. Mình triển khai người dân sẽ có ý thức thôi. Chẳng hạn bây giờ có phân làm 2 loại rác phải có 2 cái xe, 2 loại màu để dân phân biệt. Nhưng như thế cũng phức tạp vì lượng công nhân đang ít. Trước kia mười mấy người làm, giờ chỉ có 4 người làm. Như thế hai tay kéo 2 xe cũng vất vả".
Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, việc thiếu đồng bộ là nguyên nhân khiến các mô hình thử nghiệm phân loại rác tại nguồn đều không mang lại kết quả khả quan:
"Chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại chuyện thất bại đó vì rõ ràng phân loại rác tại nguồn là biện pháp căn cơ. Qua một số đợt thử nghiệm có thể thấy chính sách của ta không đồng bộ. Chúng ta phải giảm sự bao cấp của nhà nước thì sẽ tổ chức được đồng bộ từ phân loại, thu gom, xử lý có trách nhiệm rõ ràng của người dân, đơn vị thu gom, xử lý có vậy mới tiến tới phân loại rác tại nguồn hiệu quả".
Rác thải được hướng dẫn phân loại trực tiếp trong quá trình thu gom ở Tuyên Quang. Ảnh: Nam Sương/TTXVN
Dự kiến tháng 9 năm nay, Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở cho các địa phương áp dụng. Sau hướng dẫn này, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, chỉ khi có một kế hoạch tốt dựa trên nguyên tắc “nói đi đôi với làm” mới mong về đích đúng lộ trình: "Nếu kế hoạch tốt, tôi cho hết năm 2023 là ổn nhưng nếu không tốt trong 3 năm nữa chưa chắc làm được. Đáng lẽ thời điểm này theo pháp luật chúng ta phải có quy định chi tiết về phân loại rác tại nguồn rồi. Hiện nay mới có chủ trương thì sự thực mà nói là quá muộn. Tình trạng hiện nay các nơi thực hiện chưa ra làm sao cả. Cách thức làm như thế nào Bộ phải đưa chủ trương trên nguyên tắc nói phải đi đôi với làm. Giải pháp kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật không có để người dân thực hiện".
Các chuyên gia đều cho rằng, để các địa phương thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, cần thời gian không phải tính bằng tháng, mà phải tính bằng năm. Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để công tác phân loại rác tại nguồn đi vào cuộc sống cần phải có những quy định cụ thể, phù hợp với từng khu vực dân cư:
"Có rất nhiều việc cần phải làm từ việc tạo ra sự đồng bộ về hệ thống hạ tầng thu gom, xử lý rác thải. Ngoài ra, còn cần chuẩn bị cho những hoạt động về đào tạo, tập huấn, phổ biến, thậm chí là còn phải đưa ra những hướng dẫn kỹ thuật rất chi tiết để hướng dẫn cho các hộ gia đình, cá nhân có thể tổ chức triển khai thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn này.
Điều quan trọng nhất là sau khi đã xác định được những điều kiện cần thiết có thể đáp ứng được thì UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ ban hành quy định cụ thể để triển khai tại địa phương mình, đối với từng địa bàn cụ thể", ông Thịnh nói.
Nhiều địa phương loay hoay cả thập kỷ với các mô hình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn nhưng tới nay đều chưa thu được trái ngọt. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra những quy định mang tính đột phá, đề ra lộ trình cụ thể mang tới nhiều hơn những kỳ vọng.
Nhưng để hoàn thành mục tiêu phân loại rác tại nguồn từ năm 2025: “Thiếu đồng bộ, khó thành công”.
Hơn 10 năm trước, Dự án phân loại rác thải tại nguồn (mô hình 3R) được triển khai thí điểm tại bốn quận của Hà Nội bằng nguồn tài trợ của chính phủ Nhật Bản, trong thời gian ngắn đã phải tạm dừng vì lý do vận hành “thiếu đồng bộ”. Mô hình này là khởi đầu của rất nhiều mô hình phân loại rác thải tại nguồn sau đó với chung một kết quả là thất bại.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 ra đời được kỳ vọng giải quyết khó khăn khi ban hành những quy định thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Nhưng từ thời điểm Luật có hiệu lực, sự vận hành đồng bộ như kỳ vọng vẫn chưa xuất hiện để giải quyết bài toán phân loại rác thải. Và nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, cho dù thời gian có kéo dài thêm so với hạn định cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.
Tới đây, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ ban hành hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải rắn sinh hoạt. Đây được coi như quy chuẩn thống nhất, trở thành kim chỉ nam cho các địa phương hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn. Hầu hết các tỉnh, thành phố đang rất thận trọng trong công tác chuẩn bị: Từ lập kế hoạch, xây dựng đề án và hướng dẫn cụ thể để chờ đợi quy chuẩn từ Bộ. Muốn chu trình này vận hành, hướng dẫn kỹ thuật không thể ban hành chậm trễ hơn.
Theo quy định, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được thực hiện muộn nhất tới ngày 31/12/2024. Điều kiện cần là một quy chuẩn vận hành, còn điều kiện đủ là quy trình phân loại – thu gom - xử lý rác thải cũng phải được thực hiện đồng bộ. Có như vậy rác thải mới đi đúng vòng tuần hoàn mang lại lợi ích.
Ở giai đoạn phân loại, Nhà nước không còn bao cấp mà người dân phải tự chi trả tiền xử lý rác thải. Kinh nghiệm có thể học tập từ mô hình thành công của thành phố Hino thuộc Tokyo, Nhật Bản. Nơi này đã chuyển đổi từ hệ thống thu gom bằng thùng cố định sang thu gom bằng túi trong giờ quy định, kết hợp thu phí vệ sinh trong giá bán túi đựng rác. Các loại túi có kích cỡ và dành cho từng loại rác có giá tiền khác nhau.
Đó là cơ chế khuyến khích người dân thực hiện giảm thiểu lượng rác phát sinh và phân loại rác tại nguồn để tiết kiệm tiền cho chính mình. Lợi ích trực tiếp sẽ khiến thay đổi hành vi.
Khi rác đã được phân loại, đơn vị thu gom cũng phải đồng bộ về con người, kỹ thuật, năng lực quản lý, xử lý; vừa phải cân đối chi phí lãi lỗ, vừa phải thực hiện theo đúng quy định. Muốn như vậy, cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư các dự án liên quan chất thải rắn sinh hoạt cần cụ thể và kịp thời trong bối cảnh việc thu gom và xử lý rác như nguồn tài nguyên đặc biệt khó chưa thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.
Thời gian chỉ còn hơn một năm để triển khai rất nhiều công việc. Và đúng như các chuyên gia nhận định, thành hay bại phụ thuộc vào một kế hoạch tốt theo nguyên tắc “nói đi đôi với làm”. Dù vậy, qua kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, phải mất vài năm cho tới cả chục năm cho quá trình này.
Sự chuẩn bị chu đáo, vận hành đồng bộ mới là lời giải đúng cho bài toán phân loại rác thải tại nguồn loay hoay nhiều năm qua.