![]() |
Hiện có một số quy định của Việt Nam trong hoạt động mua bán và sáp nhập chưa rõ ràng, và gây khó khăn cho các bên tham gia M&A.
Tại hội nghị cạnh tranh ASEAN lần thứ hai tại TPHCM hôm 13/9, với chủ đề về M&A, một số chuyên gia tại Việt Nam cho rằng, hiện họ vẫn gặp một số khó khăn trong hoạt động M&A do một số định nghĩa không rõ ràng trong pháp luật của Việt Nam liên quan đến M&A, hay một số quy định gây khó cho bên mua.
Cụ thể, bà Bùi Khánh Linh, chuyên gia cao cấp tại Công ty Athens Arthur Robinson cho biết, về thanh toán, Việt Nam yêu cầu thanh toán các hợp đồng M&A tại Việt Nam và bằng đồng Việt Nam. Theo bà Linh, việc này gây khó khăn khi cả bên mua và bên bán đều ở nước ngoài, chẳng hạn như một công ty mẹ ở nước ngoài có sở hữu công ty con tại Việt Nam và bán công ty con này cho một công ty khác ở nước ngoài.
Hay, theo bà Carolyn Oddie thuộc Athens Arthur Robinson, Luật Cạnh tranh của Việt Nam có quy định khi sự kết hợp dẫn đến doanh nghiệp nắm thị phần lớn hơn 30% thì doanh nghiệp phải thông báo cho Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương). Tuy nhiên, việc xác định thị phần này không dễ, vì có ít nguồn để doanh nghiệp tra cứu tìm hiểu về thị phần, và cũng gặp khó khăn trong việc xác định thị trường có liên quan và các bên có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan.
Ngoài ra, luật không nói rõ về M&A liên quan đến các công ty nước ngoài. Chẳng hạn như trường hợp doanh nghiệp nước ngoài, như công ty Pharmaco mua lại DrugsRus. Cả hai công ty này ở nước ngoài, nhưng đều có công ty con tại Việt Nam. Pharmaco mua lại DrugsRus thì có đương nhiên được mua lại công ty con của DrugsRus tại Việt Nam không khi công ty này đang chiếm thị phần khá lớn, bà Carolyn đặt vấn đề.
Trong Báo cáo tập trung kinh tế 2009 của Cục Quản lý cạnh tranh cũng từng có nói đến việc trên thế giới đã có một số vụ sáp nhập lớn mà các bên tham gia đều có công ty con hoặc chi nhánh tại Việt Nam. Như Alcatel – Lucent, ICI – Akzo Nobel,… Nhiều công ty chiếm lĩnh thị phần lớn, thậm chí có thể đã có thị phần chi phối trên thị trường Việt Nam.