Phát triển điện gió phải... chờ: Quy hoạch không gian biển!

(ĐTTCO) - Việt Nam đã cam kết giảm phát thải carbon về 0 vào năm 2050, cùng đó trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, mục tiêu đặt ra đến năm 2030 sẽ phát triển khoảng 7 GW điện gió ngoài khơi và đến năm 2045 sẽ tăng lên 66,5 GW. Tuy nhiên, đến nay khung chính sách cụ thể cho loại hình năng lượng này vẫn chưa được định hình rõ ràng. 

Nhiều điểm nghẽn trong quy hoạch điện gió khiến nhà đầu tư dè dặt.
Nhiều điểm nghẽn trong quy hoạch điện gió khiến nhà đầu tư dè dặt.
Dè dặt quá mức?
Theo số liệu từ các khảo sát, Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển điện gió ngoài khơi, có thể lên tới 160 GW. Tuy nhiên, chủ trương phát triển điện gió ngoài khơi (đặc biệt là xa bờ vì sức gió dồi dào hơn gần bờ) vẫn chưa được xem xét thấu đáo, hoặc vẫn còn cân nhắc trên lý thuyết.
Kế hoạch triển khai chậm quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi cũng đồng nghĩa làm giảm hiệu quả của Quy hoạch Điện VIII đang xây dựng. Bởi muốn bổ sung điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch Điện VIII cần hoàn thiện khung pháp lý cho quy hoạch loại hình này, nhưng đến nay quá trình này vẫn dậm chân tại chỗ. Trong rất nhiều nguyên nhân, có 3 điểm nghẽn chính vẫn chưa được tháo gỡ.
Thứ nhất, đến nay chúng ta vẫn chưa có quy hoạch không gian biển, dù chủ trương phát triển kinh tế biển đã được nói đến suốt những năm qua. Theo nguyên tắc, điện gió ngoài khơi nằm trong quy hoạch không gian biển - kinh tế biển quốc gia, liên quan đến cả vấn đề an ninh, quốc phòng. Quy trình đầu tư lại rất khác biệt so với điện gió trên/gần bờ.
Theo đó, các tỉnh cấp phép từ 6 hải lý (khoảng hơn 11km) trở vào bờ và coi đó là điện gió ven bờ. Cấp bộ được cấp phép từ 6 hải lý trở ra (điện gió xa bờ).
Thứ hai, hạn chế về cơ sở hạ tầng truyền dẫn, cụ thể là đấu nối nguồn điện lên hệ thống điện quốc gia. Hiện Việt Nam chưa có quy hoạch hệ thống tuyến cáp ngầm dưới biển kết nối các dự án điện gió ngoài khơi. Để làm được điều này, bên cạnh nguồn vốn đầu tư tương đối lớn, trước mắt cần có nghiên cứu sâu hơn, đưa các tuyến cáp như “hành lang cao tốc”, không thể “chạy loạn” dưới biển.
Bên cạnh đó, do chưa xác định được dự án điện gió ngoài khơi nào sẽ được cấp chủ trương đầu tư (do thiếu quy hoạch không gian biển), dẫn tới sự bị động trong đầu tư nâng cấp lưới điện đồng bộ với dự án. Vì vậy, dù kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng truyền dẫn theo hình thức hợp tác công - tư cũng rất khó khăn vì nhà đầu tư không mặn mà. 
Thứ ba, lĩnh vực điện gió ngoài khơi còn mới mẻ đối với Việt Nam, nên hệ thống khung khổ pháp lý cần phải được xây dựng tương ứng - đến nay vẫn thiếu. Đơn cử, phạm vi nghiên cứu đầu tư, đấu nối giữa nhà đầu tư với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ra sao để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên vẫn chưa rõ ràng. Hoặc thủ tục đầu tư và cấp phép dự án vẫn còn nhiều phức tạp vì sự chồng chéo về quản lý giữa nhiều bộ, ngành quản lý, như Bộ TN-MT, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, các tỉnh có dự án… chưa thống nhất, dẫn tới nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện đầu tư, càng khiến nhà đầu tư dè dặt.

Cần lộ trình để hiện thực hóa
Song không hẳn vì những vướng mắc nói trên mà điện gió ngoài khơi hết hấp dẫn. Theo Cục Quản lý, khai thác biển và hải đảo (thuộc Bộ TN-MT), đơn xin cấp phép khảo sát điện gió ngoài khơi tăng nhanh. Tính đến thời điểm hiện nay đã có 35 đơn của cá nhân và tổ chức đề xuất khảo sát 45 khu vực biển. Nhưng cơ quan nhà nước vẫn chưa có quy trình chuẩn cho quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển, nhất là khi có yếu tố nước ngoài.
Hiện Cục Quản lý, khai thác biển và hải đảo đang hoàn thiện quy định cụ thể về hồ sơ và quy trình cấp phép khảo sát biển. Trong khi đó, Bộ TN-MT cũng đang tham khảo với các sứ quán và chuyên gia các nước về quy trình, thực tiễn cấp phép khảo sát biển. 
Chia sẻ về vấn đề này, ông Stuart Livesey, Tổng Giám đốc dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, Giám đốc quốc gia Copenhagen Offshore Partners (COP) tại Việt Nam, cho rằng việc chưa rõ ràng trong các chính sách và những rủi ro khác sẽ dẫn đến gia tăng chi phí, do các nhà đầu tư phải dự phòng một khoản ngân sách lớn cho các rủi ro trong trường hợp dự án bị đình trệ hoặc hủy bỏ.
Bên cạnh đó, Quy hoạch Điện VIII vẫn chưa hoàn thiện, quy hoạch không gian biển chưa có. Trong khi đó, quy hoạch không gian biển là công cụ rất hữu ích, giúp định hướng phát triển ngành điện gió ngoài khơi trong việc kết hợp hài hòa với các hoạt động khác trên môi trường biển như dầu khí, quốc phòng và an ninh quốc gia, du lịch và giải trí, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, khai thác tổng hợp… 
“Tuy nhiên, kinh nghiệm toàn cầu cho thấy cần rất nhiều thời gian để xây dựng, thực hiện nhiều cuộc tham vấn giữa các cơ quan ban, ngành của Chính phủ để định hình được quy hoạch này. Do đó, chiến lược và kế hoạch phát triển ngành điện gió ngoài khơi không nên bị trì hoãn bởi quá trình xây dựng quy hoạch không gian biển.
Việc tham gia đối thoại để xem xét hài hòa lợi ích cho các bên cùng sử dụng khu vực biển, xác định những hoạt động nào có thể cùng thực hiện với nhau rất quan trọng” - ông Stuart Livesey nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia lĩnh vực điện gió, để phát triển trang trại điện gió ngoài khơi có thể phải mất 5-11 năm, bao gồm các bước khảo sát, cấp phép, phát triển dự án, chuẩn bị thi công, thi công, chạy thử...
Cùng với đó là những nhóm rủi ro đi kèm, gồm (i) vấn đề địa chính trị như sự chồng lấn của lô dầu khí và lô điện gió ngoài khơi, vấn đề pháp lý trong giao quyền sử dụng không gian biển, chưa rõ phân biệt điện gió gần bờ và ngoài khơi; (ii) vấn đề kỹ thuật bao gồm cấu tạo địa chất, địa mạo, tác động môi trường, rủi ro của sóng và tốc độ gió, bão; (iii) rủi ro kinh tế gồm hợp đồng mua bán điện, giá điện, giá sắt thép, tuabin, lãi suất ngân hàng, lạm phát, đường truyền tải xây dựng không kịp hoặc nghẽn. 
Áp lực lên mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII càng lớn hơn, khi thời gian đạt mục tiêu 7 GW vào năm 2030 chỉ còn 8 năm. Do đó, điều cần làm lúc này là nên sớm có quy hoạch về không gian biển, cần có khung pháp lý phù hợp, bao gồm tầm nhìn chiến lược, bàn giao không gian biển, kết nối lưới, ưu đãi thuế, khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng… Tất cả phải được khởi động trong lộ trình cụ thể. 
 Chưa có quy hoạch về không gian biển cũng như khung pháp lý phù hợp, đã khiến loại hình điện gió ngoài khơi luôn bị lỗi hẹn. 

Các tin khác