Song để điều này được thực hiện thông suốt cần phải giải quyết nhiều vấn đề, tháo gỡ những gút mắc trong chính sách đầu tư, cũng như phát huy vai trò của Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC). ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, về các giải pháp cho những vấn đề này.
Vận dụng mô hình chính quyền đô thị
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, có ý kiến cho rằng trong vô vàn công việc của TPHCM, lĩnh vực nào cũng quan trọng, cũng cần phải giải quyết. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cấp bách cần ưu tiên tập trung giải quyết ngay là tổ chức lại không gian đô thị theo hướng TP đa trung tâm để giãn dân, đồng thời xây dựng chính quyền đô thị. Quan điểm của ông như thế nào?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Quy hoạch và phát triển TPHCM đã được đặt ra từ giữa thập niên 1990 với tầm nhìn dài hạn đến năm 2000, và sau này điều chỉnh lại đều theo quan điểm là phát triển đa trung tâm, chống tập trung hóa ở khu trung tâm. Vấn đề tập trung hiểu ở 2 giác độ, nhưng lâu nay người ta thường nói tập trung là mật độ dân cư trú, mà quên rằng vấn đề tập trung còn tùy thuộc rất nhiều vào việc xây dựng các cao ốc văn phòng, các trung tâm thương mại để tạo nên một dòng di chuyển mang tính vãng lai và gây tắc nghẽn. Vì thế, thực tế cho đến nay, việc triển khai thực hiện quy hoạch và phát triển TPHCM đã không đạt yêu cầu đề ra.
Thứ nhất, hiện nay một số chung cư, cao ốc xây dựng ở những nơi không có khả năng giải quyết bài toán giao thông. Thứ hai, trong quá trình chỉnh trang đô thị có yêu cầu rất rõ là chỉnh trang phải gắn với việc xử lý tồn tại của những địa bàn không có không gian công cộng mà TP hiện rất thiếu không gian công cộng cho người dân.
Điều này đi ngược lại TP văn minh, môi trường tốt. Bởi hiện nay không phải đặt vấn đề quy hoạch trở lại, mà những ý tưởng, những đề án quy hoạch đã có phải kiên trì thực thi, nhất là xây dựng TPHCM phải gắn với đô thị TPHCM đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch từ năm 2013, và vừa rồi mới điều chỉnh lại. Bên cạnh đó cần hình thành những đô thị mang tính đối trọng với đô thị TPHCM.
Hoàn toàn có thể xây dựng một địa bàn rất tốt là Nhơn Trạch với việc nối kết phát triển đô thị rõ ràng, sẽ không có áp lực nhiều đối với TPHCM. Hay chúng ta cũng đã quy hoạch phía Bắc TPHCM là hướng cần tập trung, hoặc xa hơn nữa phía Nam đã hình thành cảng Hiệp Phước nhưng khoảng 2 thập niên qua ta vẫn làm chưa đến đâu, do nguyên nhân hạ tầng. Muốn phát triển không gian đô thị phải gắn liền với bài toán nối kết giao thông. Nối kết giao thông mới giải quyết vấn đề liên thông trong vấn đề phát triển đô thị. |
Dĩ nhiên, những vấn đề trên có liên quan đến xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Nhưng lâu nay việc xây dựng không phù hợp với định hướng triển khai là TP đa trung tâm. Hiện nay, tuy chưa gọi là chính quyền đô thị nhưng Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng đã quy định một số nguyên tắc chính quyền ở cấp TP trực thuộc Trung ương.
Theo tôi, TPHCM có thể vận dụng Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tổ chức lại bộ máy cho phù hợp. Ngoài ra, trong Nghị quyết 54 của Quốc hội về một số cơ chế chính sách đặc thù của TP cũng cho phép TP điều chỉnh phân quyền cho các quận huyện, hoặc tổ chức lại các bộ máy của các sở, ngành. Đây cũng là điều cần phải làm để tổ chức chính quyền đô thị. Quản lý đô thị và mô hình tổ chức chính quyền là 2 vấn đề liên quan trực tiếp với nhau. Nếu một mô hình tổ chức chính quyền có hiệu quả, quản lý đô thị sẽ tốt hơn.
Quyết tâm sẽ làm được
Quyết tâm sẽ làm được
- Trong quá trình phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị, có những công trình gặp khó khăn giải tỏa, nhà tài trợ cũng nghi ngại nhưng TP quyết tâm cũng làm được. Điều này có ý nghĩa thế nào đối với việc giải tỏa phát triển đô thị trong tương lai?
- Liên quan đến những khó khăn trong vấn đề giải tỏa để chỉnh trang đô thị, tôi dẫn chứng trường hợp kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trước đây khi tính vay tiền của Ngân hàng Thế giới để làm, kể cả người cho vay cũng nghi ngại khả năng trong giải tỏa. Nhưng với sự quyết tâm của TP, vào giữa thập niên 1990 đã làm được và thuyết phục người cho vay thấy rằng, việc đền bù chỉnh trang đô thị mang tính đột phá đã thay đổi bộ mặt của TP.
Vì vậy tôi muốn nói từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kênh Bến Nghé dọc quận 1, 5, 4 và 8, là những nơi rất khó khăn trong việc giải tỏa đền bù, vì có người nghèo rất đông nhưng TPHCM cũng sẽ làm được. Bài học kinh nghiệm nếu một vấn đề có khó khăn nhưng xác định mục tiêu phải làm, cần làm thì tập trung nguồn lực xử lý đến nơi đến chốn những vấn đề phát sinh.
Một góc Sunrise City. Ảnh: HỒNG PHÚC
Dĩ nhiên phải hài hòa lợi ích, quan tâm đời sống của người dân ở những vùng giải tỏa. Nếu chỗ này làm được, chỗ khác có khó cũng phải quyết tâm làm. Trong tương lai, TP có nhiều dự án gặp khó khăn nữa, kể cả vấn đề giải quyết chung cư cũ hiện nay xuống cấp phải xây dựng lại.
Điều khó nhất trong việc giải tỏa là bố trí lại dân cư, tái định cư và việc làm. Những mô hình trước triển khai theo 2 phương cách: tổ chức lại cuộc sống cho người dân bị di dời, giải tỏa; tạo điều kiện và đồng thời phát triển những khu nhà ở mới, khu nhà ở xã hội, giá thấp để người dân lựa chọn. Ngoài ra TP còn đào tạo nghề, chuyển nghề, áp dụng cơ chế hỗ trợ để thu hút lao động… Chúng ta đã có nhiều phương thức, vấn đề là tùy dự án vận dụng.
- TPHCM hiện vướng nhiều công trình kiểu "liệu cơm gắp mắm", tư tưởng có bao nhiêu làm bấy nhiêu. Như vậy sẽ khó làm được việc lớn. Vậy để đầu tư đúng cần phải thế nào, thưa ông?
- Hiện nay chúng ta nhìn cái nào cũng cần thiết, chính vì vậy vốn dàn trải mỗi nơi một chút. Tôi có nói trong tiêu dùng “liệu cơm gắp mắm” là đúng, nhưng trong đầu tư tư tưởng này chi phối sẽ không hướng tới dài hạn được. Đáng lý chỗ này phải làm cầu vượt nhưng do nguồn vốn có hạn chỉ làm vòng xoay, vài năm sau phải phá đi để xây cầu vượt.
Những cách như vậy do tư tưởng này chi phối. Đầu tư cần tính phí tổn cơ hội, với đồng vốn có sẵn cái gì cần trước, hiệu quả hơn làm trước, không rải khắp nơi, đây là tư tưởng cần chống để tránh đầu tư dàn trải. Nếu chậm hơn nhưng dồn được nguồn lực để làm đến nơi đến chốn còn hơn làm một chút rồi lại 1-2 năm công trình lạc hậu lại mất phí tổn cao hơn.
Xác định từng dự án, không đánh đồng
Xác định từng dự án, không đánh đồng
- Hiện các ngân hàng đã ký biên bản thỏa thuận cho vay vốn đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), với tổng mức đầu tư dự kiến 26.000 tỷ đồng. Vậy trong tương lai làm cách nào mở rộng PPP hơn nữa để phát triển đô thị tại TPHCM?
- Hiện nay, TP đã có nhiều kinh nghiệm về chủ trương PPP. Nhưng ở đây, từ kinh nghiệm thực tiễn của TPHCM, tôi nghĩ rằng từng dự án phải xác định trách nhiệm đóng góp của Nhà nước trong đó. Thí dụ, ngay cả đặt vấn đề đổi đất lấy công trình nhưng có những dự án, giá trị đất đánh giá để đổi công trình không tương xứng, ngân sách phải bù, tức phải có vốn mồi.
Đây là lúc Nghị quyết 54 và Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về TPHCM nên phát huy vai trò đúng nghĩa khi cho phép thành lập HFIC. Nếu phát huy được, TP sẽ huy động được nguồn vốn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng. |
Ngoài ra, còn có vấn đề pháp lý, cần phải đặt trách nhiệm của Nhà nước khi thực hiện các hợp đồng PPP, nếu Nhà nước không thực thi sẽ bị chế tài thế nào. Cũng giống như khi ký công trình xây dựng dạng ODA của Nhật Bản, nếu Nhà nước thực thi không đúng, giải tỏa đền bù không đúng, phải bồi thường. Trong PPP cũng vậy, mới có thể tạo niềm tin cho cho nhà đầu tư. Hiện Nghị quyết 54 đã có, TP giữ lại một số nguồn vốn, đây là nguồn rất quan trọng để TP dùng làm vốn mồi.
- Trong vấn đề chỉnh trang đô thị, theo ông HFIC có vai trò như thế nào và cần phải làm gì để phát huy vai trò này?
- Đây là một định chế đặc thù của TPHCM, không phải là quỹ đầu tư địa phương như các tỉnh khác, cũng không phải là công ty kinh doanh vốn như SCIC của Bộ Tài chính.
Đó là một định chế để đầu tư của chính quyền địa phương, phần vốn ngân sách cấp cho công ty hoặc vốn ngân sách đưa vào vốn điều lệ để tạo một tổ chức tự bản thân có khả năng phát hành trái phiếu, có thể quản trị những công trình Nhà nước giao. Đồng thời sử dụng định chế này như đối tác của chính quyền TP trong tham gia các dự án, kể cả PPP và các hạ tầng khác.
- Xin cảm ơn ông.