Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Chúng ta phải nghiên cứu cơ chế làm kinh tế giao thông chứ không phải dự án giao thông”. Ý tưởng trên đi vào thực tế mới kỳ vọng cho những quyết sách mới của TPHCM.
Ùn tắc giao thông gây thiệt hại 6 tỷ USD/năm
Ùn tắc giao thông gây thiệt hại 6 tỷ USD/năm
Có lẽ tình trạng chung hiện nay của TPHCM là “ra ngõ kẹt xe”. Nhiều người dân TP hàng ngày phải mất quá nhiều thời gian cho việc di chuyển trên đường. Giao thông không đáp ứng được nhu cầu di chuyển của xã hội, dẫn đến hàng loạt hệ lụy kẹt xe, ô nhiễm, thiệt hại về kinh tế nhiều mặt (mất thời gian làm việc, hao tốn nhiên liệu...), về mặt xã hội làm con người dễ bức bối dẫn đến không ít bệnh lý xuất phát từ nguyên nhân... kẹt xe.
Hiện tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng tại TPHCM chỉ đạt gần 13%, trong khi quy chuẩn phải đạt tối thiểu 23%; tổng chiều dài các đường trên địa bàn hơn 4.700km, mật độ 2,26km đường trên 1km2 diện tích, chỉ bằng 1/5 quy chuẩn... thấp hơn các TP tương đồng đang phát triển như Bangkok, Đài Bắc, Singapore...
Vào tháng 7 vừa qua, tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 53/2005 và Kết luận 27/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của TPHCM, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết vừa qua TPHCM đã nghiên cứu về tác động của giao thông đối với sự phát triển TP. Qua đó đã thực hiện các đề án kiểm soát phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện hành khách công cộng đến năm 2025, cùng với việc phát triển các đường vành đai giảm lượng phương tiện đi vào trung tâm TP. Kết quả nghiên cứu chỉ ra tình trạng ùn tắc giao thông khiến TPHCM thiệt hại khoảng 6 tỷ USD mỗi năm.
Theo ông Bằng, chỉ số về giao thông của TPHCM chiếm khoảng 1/4 cả nước, cho thấy áp lực giao thông rất lớn. Do vậy tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM được đánh giá nghiêm trọng. Dù từ năm 2015 bằng các giải pháp tích cực, TP cơ bản kiểm soát được tình trạng giao thông, nhất là tại khu vực sân bay, cảng biển.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng, giao thông phát triển thì kinh tế phát triển theo. Do vậy dù có nhiều quyết sách để giải quyết nhu cầu giao thông, nhưng việc ách tắc ở các cửa ngõ TP khiến việc lưu thông giữa các tỉnh, thành khó khăn, gây cản trở sự phát triển kinh tế rất lớn.
Cần quyết sách mới, không thể dựa vào đầu tư công
Cần quyết sách mới, không thể dựa vào đầu tư công
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, hiện hệ thống HTGT ở TPHCM có đầy đủ 5 loại hình: đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không. Quyết định 568 điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải TP được Thủ tướng duyệt từ gần 10 năm trước, nhưng việc thực hiện các dự án quá chậm, chỉ đạt khoảng 35% do thiếu vốn và cơ chế.
Theo ông Mãi, nếu không nghiên cứu các cơ chế, mô hình phù hợp, thời gian tới hệ thống giao thông TP sẽ gặp rất nhiều trở ngại.
Cụ thể, theo quy hoạch của Chính phủ yêu cầu đến năm 2020 TP xây dựng 1-2 tuyến đường trên cao, thực hiện 2-3 tuyến đường sắt đô thị (metro), nhưng đến nay TP chưa có tuyến đường bộ trên cao nào. Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nhiều lần lùi tiến độ và chưa thể hoàn thành, còn tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) hiện vẫn chưa khởi công.
Đối với quy hoạch đường bộ, Quyết định 568 cũng nêu rõ làm 6 trục cao tốc kết nối TPHCM đi các tỉnh với tổng chiều dài hơn 350km, song đến nay chỉ có 2 tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng chiều dài khoảng 146km, tuyến Bến Lức - Long Thành dài gần 58km vẫn đang dang dở.
Từ những phân tích trên, Chủ tịch UBND TP cho rằng thiếu vốn là nguyên nhân chính khiến HTGT TP không đạt như quy hoạch, cùng với đó là thiếu các cơ chế cùng mô hình đột phá cũng ảnh hưởng lớn tiến độ. Cụ thể, hành lang pháp lý còn nhiều bất cập, chưa phù hợp thực tế và thông lệ quốc tế. Ngoài ra, nhiều cơ chế thiếu ổn định và chưa có chính sách phù hợp thu hút thêm nguồn lực đầu tư...
“Nhu cầu vốn cho các dự án rất lớn, nếu chỉ dựa vào vốn nhà nước rất khó. Trong khi giao thông TPHCM được quy hoạch từ năm 2013 nên không còn phù hợp, xuất hiện một số điểm nghẽn cần sửa đổi để có chiến lược mới, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế, xã hội" - ông Mãi nói và cho biết ngoài những dự án đang triển khai, TP sẽ tập trung nghiên cứu đầu tư để kết nối giao thông từ trung tâm TP đi các huyện vùng ven, như đường ven sông Sài Gòn kết nối hướng Tây Bắc-Củ Chi, dự án giảm áp lực cho Quốc lộ 22…
Theo nhiều chuyên gia, HTGT thiếu và yếu không chỉ TPHCM mà cả quốc gia mất đi cơ hội phát triển, chưa phát huy hết tiềm năng. Sản phẩm, hàng hóa chậm luân chuyển, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mất cơ hội trong kinh doanh, tốn kém nhiều hơn với chi phí logistics, người dân đi lại khó khăn, vất vả. Vì vậy, 1 đồng cho tăng trưởng đang phải trả giá bằng nhiều đồng vốn cho đầu tư phát triển.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, các dự án giao thông trọng điểm cần đầu tư hiện đại, đồng bộ có tầm nhìn cho nhiều năm sau, bởi cho đến nay nhiều dự án mới đưa vào khai thác đã bộc lộ bất cập, lạc hậu.
Cụ thể, tại nút giao thông An Phú kết nối vào cao tốc lượng xe rất lớn, tần suất dày đặc, nhưng không làm hầm chui hay cầu vượt nhiều tầng mà vẫn sử dụng đèn giao thông để điều tiết giao thông là hết sức lạc hậu. Hay nút giao thông Nguyễn Kiệm - Phạm Văn Đồng kết nối sân bay Tân Sơn Nhất, khi dự án đưa vào sử dụng mới có ý kiến đặt vấn đề tại sao không làm hầm chui xuyên qua nút giao thông này để nối vào đường Bạch Đằng, mà phải chờ đèn xanh đèn đỏ khiến tình trạng kẹt xe ở con đường ven đô đẹp nhất TP cứ diễn ra thường xuyên.