(ĐTTCO) - Việc Quốc hội dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đang buộc ngành điện phải tính toán lại khả năng cung ứng điện năng trong giai đoạn tới. Với cơ cấu nguồn điện hiện nay nhiệt điện than chiếm quá nửa công suất, thủy điện chiếm tỷ lệ lớn nhưng đang tiến đến giới hạn và giảm dần tỷ trọng đóng góp, việc phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối… để thay thế điện hạt nhân là tất yếu nhằm bảo đảm an ninh năng lượng.
Tiềm năng lớn
Trong 5 năm tới, ước tính nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện khoảng 858.660 tỷ đồng, tương đương 40 tỷ USD (trung bình 7,9 tỷ USD/năm). Phần lớn nguồn lực đầu tư này tập trung để xây dựng các nhà máy nhiệt điện lớn, không thấy dự án điện tái tạo lớn nào. Đây là điều cần thay đổi bởi sự thiếu hụt 4.600MW điện hạt nhân theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh là điều cần tính toán sớm. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng trong tương lai gần. Ông Nguyễn Đức Trung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
Tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn điện sản xuất từ than nhập khẩu, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững.
Việc điều chỉnh quy hoạch điện VII cũng đặt mục tiêu ưu tiên phát triển điện tái tạo, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo (không kể thủy điện và thủy điện tích năng) đạt khoảng 7% cơ cấu nguồn phát điện vào năm 2020 và tăng lên 10% vào 2030. Cụ thể, đưa tổng công suất điện gió từ 140MW hiện nay lên khoảng 800MW (năm 2020), 2.000MW (năm 2025), 6.000MW (năm 2030). Điện gió chiếm khoảng 2,1% vào năm 2030. Nguồn điện sinh khối đồng phát điện tại các nhà máy đường, chế biến lương thực, thực phẩm, phát điện từ chất thải rắn đạt 1% (năm 2020), tăng lên 2,1% vào năm 2030. Với nguồn điện từ năng lượng mặt trời ước đạt công suất khoảng 850MW (năm 2020), 4.000MW (2025), 12.000 MW (2030). Xét theo cơ cấu nguồn điện, điện mặt trời đạt 3,3% tổng nguồn điện vào năm 2030.
Nhận định về tiềm năng nguồn điện tái tạo của Việt Nam, bà Vũ Chi Mai, cán bộ Chương trình hỗ trợ năng lượng thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), cho biết tính toán của GIZ cho thấy điện gió đạt khoảng 27.000MW, điện mặt trời đạt 13.000MW, điện sinh khối đạt 12.000MW, còn thủy điện chỉ có thể phát triển thêm công suất khoảng 7.000MW. Trong khi đó, việc khai thác điện tái tạo hiện nay của Việt Nam đạt mức rất thấp, điện mặt trời khoảng 5,6MW, điện sinh khối 377,4MW, điện gió 162 MW. Hiện nay mới xây dựng được vài nhà máy điện gió như Phong điện 1 Bình Thuận công suất 30MW, Phú Quý 6MW, Bạc Liêu 99,2MW…
Cần xây dựng thị trường điện cạnh tranh
Nhiều chuyên gia trong ngành điện cho rằng dù suất đầu tư ban đầu của các dự án điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối lớn, nhưng nếu tính chi phí theo vòng đời dự án giá bán điện tái tạo hoàn toàn có thể cạnh tranh với nhiệt điện than. Ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cho biết Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển các dự án điện gió quy mô lớn. Theo tính toán của VEA nếu phát triển điện gió trên đất liền chi phí đầu tư thấp hơn nhiều nguồn điện khác. Dự án điện gió tốt nhất trên thế giới hiện nay có giá bán điện thương phẩm chỉ 5cents/kWh không cần sự hỗ trợ về tài chính. Giá bán này còn rẻ hơn chi phí sản xuất nhiệt điện than 7,2cents/kWh. Với những tiến bộ về công nghệ điện gió hiện nay, chi phí đầu tư điện gió trên đất liền rẻ hơn chi phí nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Còn với điện mặt trời, dự báo với công nghệ phát triển pin quang điện hiện nay, đến năm 2025 suất đầu tư sẽ ở ngưỡng 10cents/kWh.
Nếu so với nhiệt điện than, với giá than nhập khẩu 55-60USD/tấn như hiện nay, giá bán điện sẽ ở mức 6cents/kWh, nếu tính cả phí môi trường, giá bán sẽ tăng lên 8,15cents/kWh. Tuy nhiên, để thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án điện, đặc biệt là dự án điện tái tạo, việc xây dựng một thị trường điện cạnh tranh trong thời gian tới là vấn đề cốt yếu. Từ tháng 8-2014 giá bán điện đã chuyển từ giá cố định sang giá cạnh tranh, nhưng đến nay ngành điện vẫn thiếu nền tảng của thị trường cạnh tranh do chưa đảm bảo tính độc lập của doanh nghiệp trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối. Có thể nói, thị trường phát điện đã hoạt động nhưng chưa cạnh tranh, thị trường bán buôn bán lẻ điện đang trong lộ trình thực hiện và tính độc lập của các cơ quan điều tiết, giám sát cạnh tranh trong ngành điện còn thấp.
Đến nay giá bán điện vẫn do Nhà nước quy định, chưa phản ánh chính xác các kỳ vọng của nhà đầu tư. Hơn nữa chưa có cơ chế đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá bán điện năng lượng tái tạo. Đồng thời các nhà đầu tư dự án điện hiện nay chỉ có thể bán điện cho EVN và các đơn vị trực thuộc theo mức giá quy định, nhà đầu tư chưa được phép bán điện trực tiếp thông qua hợp đồng với giá thỏa thuận… Đó là những yếu tố khiến các dự án điện chưa thu hút được nhà đầu tư tư nhân tham gia. Vì thế, việc xây dựng thể chế cho thị trường điện cạnh tranh rất quan trọng. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, mua bán điện hoàn toàn có thể thực hiện qua sàn giao dịch điện như sàn chứng khoán. Giao dịch giữa công ty mua bán điện với nhà sản xuất không phải với nhà truyền tải điện. Và khi có nhiều người bán, nhiều người mua sẽ hình thành thị trường cạnh tranh.