Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành Cơ khí của Bộ Công Thương cho thấy, ngoại trừ chỉ tiêu xuất khẩu vượt mục tiêu đề ra, các chỉ tiêu còn lại đều chưa đạt.
Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26-12-2002 của Thủ tướng Chính phủ xác định ưu tiên phát triển một số chuyên ngành và sản phẩm cơ khí trọng điểm để đáp ứng cơ bản nhu cầu của nền kinh tế quốc dân.
Theo đó, đến năm 2010, ngành Cơ khí đáp ứng đủ 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng.
Chính sách đủ nhưng thực thi chưa nghiêm
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí của Bộ Công Thương cho thấy, ngoại trừ chỉ tiêu xuất khẩu vượt mục tiêu đề ra, vượt 4,71% (cụ thể là tính đến năm 2012, giá trị xuất khẩu của ngành Cơ khí đạt 12,1 tỷ USD, đạt 34,71%/ tổng giá trị ngành Cơ khí, cao hơn mục tiêu đặt ra) thì các chỉ tiêu còn lại đều chưa đạt.
Đáng chú ý, chỉ tiêu chính về sản xuất, kinh doanh của ngành Cơ khí tuy năm sau cao hơn năm trước, nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước mới chỉ đạt 32,58%, thấp hơn mục tiêu của Chiến lược.
Lý giải về nguyên nhân khiến ngành Cơ khí chưa đạt được các chỉ tiêu đặt ra, trong khi hầu hết các chính sách dành cho phát triển ngành được cho là tương đối đầy đủ, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, trên thực tế, chỉ có một số chính sách được triển khai có hiệu quả như Cơ chế 797/400 về chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công. Còn lại, nhiều chính sách gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Đơn cử như việc thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg và 734/CT-TTg về công tác đấu thầu, chủ đầu tư chưa tin tưởng vào các nhà thầu trong nước trong khi các cơ quan quản lý thiếu kiểm tra quyết liệt quá trình thực thi của các chủ đầu tư.
Đại diện Bộ Công Thương cũng thừa nhận, các chính sách hỗ trợ của chương trình cơ khí trọng điểm theo Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg còn gặp nhiều khó khăn về tài chính do Ngân hàng Phát triển Việt Nam khó khăn nguồn vốn. Đến nay, mới chỉ có 2/11 dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được giải ngân với giá trị 60,73 tỉ đồng/tổng mức đầu tư của 11 dự án (9.978,18 tỉ đồng), trong khi đó lãi suất tín dụng đầu tư hiện nay là 10,8% nên đã không hẫp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực cơ khí.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là giữa các tổ chức tư vấn thiết kế và nhà chế tạo, giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm khai thác hết tiềm năng thế mạnh từng doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn tới việc đầu tư trùng lắp, giảm hiệu quả đầu tư.
Để tiềm năng thành hiện thực
Ngành Cơ khí Việt Nam còn nhiều dự địa để phát triển. Đây là nhận xét của nhiều chuyên gia nước ngoài khi đánh giá về tiềm năng phát triển của cơ khí Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí Nguyễn Chỉ Sáng, để khai thác được tiềm năng này thì Nhà nước cần bảo hộ thị trường có điều kiện và thời hạn cho những ngành công nghiệp có thị trường lớn. Đồng thời, chỉ định thầu một số dự án cho mỗi ngành công nghiệp, hoặc liên doanh để các doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận và có thể làm chủ công nghệ, thiết kế, chế tạo.
Theo ông Sáng, thực tế các nước lớn Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng đã có những chính sách bảo hộ nhất định cho một số ngành công nghiệp chủ chốt của họ. Hơn nữa, giai đoạn 2012-2025, thị trường của riêng các nhà máy điện ở Việt Nam - với 52 nhà máy có tổng công suất 54.740 MW - sẽ đòi hỏi tới 50 tỉ USD giá trị đầu tư thiết bị, còn nếu tính cả các ngành công nghiệp khai khoáng, hoá chất thì con số sẽ là 150 tỉ USD.
Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực làm tổng thầu với tỷ lệ nội địa hoá thành công đạt 30% nếu được hỗ trợ về mặt thị trường thông qua các chính sách chỉ định thầu. Việc này không những tạo việc làm cho người lao động, mà góp phần từng bước làm chủ công nghệ, làm chủ thiết kế.
Một số ý kiến của các chuyên gia, nhà kinh tế cũng cho rằng, cần có biện pháp mạnh và sớm ban hành các chính sách hướng dẫn cụ thể đối với 8 chuyên ngành cơ khí trọng điểm tại Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg.
Với ngành sản xuất thiết bị đồng bộ, ngoài các chính sách hiện nay về ưu đãi cho các doanh nghiệp cơ khí đầu tư dự án sản xuất trong nước, khi đàm phán các hiệp định về vay vốn, chủ đầu tư cần đưa các điều khoản về sử dụng hàng hoá dịch vụ trong nước vào hiệp định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận.
Tuy nhiên, đứng về phía các doanh nghiệp, nhiều ý kiến cũng đề nghị, bản thân các doanh nghiệp của ngành cơ khí phải tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị tiến tiến để sản xuất ra sản phẩm có tính cạnh tranh.
Theo Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ, hiện Hiệp hội đã đứng ra kết nối các doanh nghiệp, tạo sức mạnh tạo thành các tổ hợp liên danh nhà thầu để tham gia đấu thầu các dự án.
Song, bản thân doanh nghiệp cũng phải tăng cường công tác đào tạo lực lượng nghiên cứu, thiết kế, công nhân kỹ thuật để bổ sung nguồn lực cho ngành Cơ khí, đặc biệt là đội ngũ công nhân có tay nghề cao.