Phát triển nhà ở xã hội: Cần chính sách đột phá

(ĐTTCO) - Phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) nhằm tạo điều kiện để một bộ phận người dân thu nhập chưa cao, thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở. Chính sách này đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, nhưng kết quả cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được như mong muốn.
Đỏ mắt tìm NƠXH


Trong vai người có nhu cầu mua NƠXH, thông qua mạng xã hội, chúng tôi làm quen với một người môi giới tên Toàn, đang rao bán căn hộ NƠXH tại địa chỉ 324 Lý Thường Kiệt (quận 10) thuộc dự án DMC Phú Thọ. Toàn hướng dẫn: “Người mua phải chưa có nhà ở; có hộ khẩu thường trú tại TPHCM. Nếu không có hộ khẩu thường trú thì phải có đăng ký tạm trú, có hợp đồng lao động từ 1 năm và đóng bảo hiểm xã hội ở TPHCM. Thêm nữa, phải có thu nhập từ 9 triệu đồng trở xuống.

Người mua nộp hồ sơ cho chủ đầu tư (CĐT), rồi CĐT sẽ lập danh sách gửi về Sở Xây dựng. Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được danh sách, nếu Sở Xây dựng không có ý kiến thì CĐT sẽ thông báo cho các đối tượng mua nhà để ký hợp đồng”. Thấy bản thân không đủ điều kiện để mua NƠXH nói trên vì thuộc diện nộp thuế thu nhập thường xuyên, dù vẫn ở nhà thuê, chúng tôi lấy cớ “để nghiên cứu thêm” và hẹn gặp lại.

Phát triển nhà ở xã hội: Cần chính sách đột phá ảnh 1Một góc dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM)

Lùi ra xa trung tâm thành phố, chúng tôi tìm đến dự án NƠXH Dragon E-Home thuộc khu đô thị Dragon Village (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức), vừa được động thổ vào ngày 31-8. Đại diện CĐT - Công ty Dragon Village - cho hay, thời điểm này chỉ ghi nhận thông tin khách hàng có nhu cầu mua NƠXH chứ chưa có kế hoạch bán hàng.

Trong những ngày đi tìm hiểu mua NƠXH, chúng tôi gặp nhiều người cũng có hoàn cảnh ở trọ, mòn mỏi giấc mơ an cư. Chị Nguyễn Thị Thái Hòa (làm công nhân) sinh sống và làm việc tại quận 12 là một ví dụ. Với đồng lương của mình, cộng với thu nhập của chồng từ chạy xe ôm, chị Hòa mới đủ lo cho cuộc sống của gia đình và trả tiền thuê nhà trọ.

Muốn sở hữu chỗ ở lâu dài, ổn định sinh kế và phù hợp với điều kiện chi trả, được sự hỗ trợ thêm của gia đình, bạn bè, chị đang tìm mua NƠXH. Chị Hồ Thị Ngọc (giáo viên mầm non) cùng chồng và hai con nhỏ thuê phòng trọ tại quận Gò Vấp cũng trong hoàn cảnh tương tự. Năm 2016, nghe nói về dự án NƠXH tại phường An Lạc (quận Bình Tân), chị tìm hiểu và làm thủ tục mua nhà. Trong hồ sơ mua nhà phải có giấy xác nhận chưa có nhà ở tại phường đang tạm trú, nhưng cả tháng trời không làm xong. Đến lúc có giấy xác nhận thì đã hết thời hạn đăng ký. Chị đành gác lại giấc mơ an cư!

Kỳ vọng từ chính sách mới

Từ năm 2005 đến nay, TPHCM đã hoàn thành 32 dự án NƠXH với 19.100 căn hộ. Trong đó, giai đoạn 2016-2020 đưa vào sử dụng 19 dự án với tổng số 14.954 căn hộ. Tuy nhiên, con số này chỉ giải quyết một tỷ lệ nhỏ so với nhu cầu nhà ở của một bộ phận người có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức gặp khó khăn về nhà ở.

Hiện nay, TPHCM có 9 dự án NƠXH đang triển khai với tổng diện tích 17,54ha, quy mô 6.231 căn hộ; trong đó có 5 dự án đang chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020. Giai đoạn tiếp theo (2021-2025), TPHCM dự kiến triển khai 25 dự án, với tổng số hơn 28.600 căn hộ. Như vậy, số NƠXH trên thống kê đã thấp, nhưng con số hình thành trên thực tế còn ít hơn.

Vì sao loại hình NƠXH phát triển hết sức khó khăn? Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, lý giải, thủ tục đầu tư dự án NƠXH nhiều và khó hơn so với thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện dự án NƠXH cũng chưa được triển khai.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho CĐT xây dựng NƠXH, TPHCM đã kiến nghị Chính phủ phân cấp cho TPHCM xem xét, quyết định điều chỉnh dự án xây dựng nhà ở thương mại sang NƠXH, nhà ở phục vụ tái định cư; điều chỉnh nhà ở phục vụ tái định cư hoặc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư sang làm NƠXH hoặc làm nhà ở thương mại.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành:Xây dựng quy trình, bộ tiêu chuẩn riêng cho NƠXH

Điều mà CĐT cần là tháo gỡ thủ tục hành chính. Phải có một quy trình riêng, bộ tiêu chuẩn thiết kế riêng dành cho NƠXH chứ không dùng chung với nhà ở thương mại. Hiện nay, quy trình làm NƠXH giống hệt nhà ở thương mại, nhưng lại nhiêu khê hơn vì phát sinh thêm thủ tục duyệt đối tượng mua nhà, duyệt giá mua nhà…

Ngoài ra, sau khi bán nhà xong, CĐT bị hậu kiểm, kiểm toán nên rất mệt mỏi. Tiếp theo là vấn đề tài chính, tuy đã có quy định nhưng CĐT lại không được hưởng ưu đãi. Luật quy định, doanh nghiệp xây NƠXH sẽ được vay với lãi suất 4,5-5%/năm, nhưng đến nay CĐT không tiếp cận được. Tất cả những vướng mắc đó dẫn tới việc xây dựng NƠXH khó khăn, khiến giá nhà tăng cao. Hiện nay, tôi thấy đáng mừng là từ Trung ương tới địa phương đang rất quan tâm phát triển NƠXH, đây là chiến lược của quốc gia, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, vừa qua Chủ tịch UBND TPHCM ký quyết định ban hành quy trình xin cấp phép dự án NƠXH là 153 ngày. Chủ trương này được triển khai sớm sẽ là cú hích thật sự để thay đổi bức tranh NƠXH.

Nhu cầu vốn nhiều, vay khó khăn

HDBank vừa hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi dành cho Công ty cổ phần Bất động sản Phú Long xây dựng dự án NƠXH Dragon E-Home tại TP Thủ Đức, TPHCM.

Dự án có 764 căn hộ, với diện tích từ 28-85m2/căn. Không chỉ hỗ trợ chủ đầu tư mà HDBank còn hỗ trợ người mua nhà tại dự án với gói vay tới 75% giá trị theo tiến độ hợp đồng mua bán, thời hạn vay tới 35 năm. Thực hiện gói vay này, HDBank hưởng ứng chủ trương đầu tư, xây dựng NƠXH cho viên chức, công nhân, người có thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng đây lại là ánh sáng hiếm hoi về việc bơm vốn cho NƠXH.

Theo đó, Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH quy định, các doanh nghiệp thực hiện dự án NƠXH vay vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước được chỉ định là BIDV, Agribank, Vietinbank và Vietcombank. Tuy nhiên, đến nay, 4 NHTM này vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nên chưa cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân vay ưu đãi.

Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đang có nguồn vốn cho vay NƠXH, nhưng lại chỉ cho vay ưu đãi để các đối tượng mua, thuê mua NƠXH; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở nên các doanh nghiệp xây dựng NƠXH cũng không được vay gói lãi suất ưu đãi này. Tiếp đó, trong giai đoạn 2022-2023, Quốc hội đã phê chuẩn gói tài chính 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% thông qua các NHTM cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19, trong đó có cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng NƠXH, nhà cho công nhân thuê và thuê mua.

Đến nay, từ đề xuất nhu cầu xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng tổng hợp, có đến hàng trăm dự án. Bộ Xây dựng mới công bố chưa đến 20 dự án NƠXH đủ điều kiện tiếp cận gói vay ưu đãi, lãi suất 2%/năm, thế nhưng vẫn chưa có dự án NƠXH nào được giải ngân từ gói vay hỗ trợ nói trên! Nhằm tháo gỡ những vướng mắc về vốn, mới đây các doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM đã có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung danh mục chi ngân sách Nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 dành để chi tái cấp vốn, cấp bù lãi suất để thực hiện chính sách NƠXH.

Từ đó có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện chính sách NƠXH thông qua việc tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho 4 NHTM Nhà nước được chỉ định cấp tín dụng cho vay ưu đãi đầu tư xây dựng NƠXH. (NHUNG NGUYỄN)

Các tin khác