Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của ngành điều Việt Nam đạt gần 1,5 tỷ USD, xếp thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu điều thô và là một trong những mặt hàng có giá trị kim ngạch cao trong cả nước. Tuy nhiên, ngành điều vẫn phải đối mặt rất nhiều khó khăn kéo dài từ năm 2011 đến nay khiến nhiều DN rơi vào tình trạng lao đao, thậm chí đóng cửa, bán nhà máy.
Thiếu nguyên liệu
Vấn đề lớn nhất của các DN điều hiện nay là thiếu nguyên liệu. Tính đến năm 2011, diện tích trồng điều trên cả nước đạt khoảng 366.000ha, cung cấp 300.000 tấn hạt điều với năng suất đạt gần 1 tấn/ha. Theo quy hoạch tổng thể ngành điều đến năm 2020 của Chính phủ, diện tích trồng điều sẽ được mở rộng đến khoảng 400.000ha, trong đó diện tích thu hoạch đạt khoảng 350.000ha với sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn/năm.
Song trên thực tế, diện tích trồng điều trên cả nước đang bị thu hẹp đến hơn 77.000ha so với thời điểm năm 2007 và sản lượng hiện tại chỉ đáp ứng được 50% công suất các nhà máy chế biến trong nước.
![]() |
Hạt điều là mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu. Ảnh: THANH TÂM |
Hiện nay đang là mùa thu hoạch điều trong nước nhưng để chế biến, DN điều đã phải nhập 80.000 tấn điều thô từ các nước Brazil, Ấn Độ, ASEAN. Theo dự báo, đến tháng 6, sau khi mùa thu hoạch kết thúc, các DN sẽ nhập thêm khoảng 220.000 tấn điều thô cho năm 2012.
Dù hạt điều thô nhập khẩu giá rẻ hơn hạt điều trong nước nhưng DN lại đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Thứ nhất, hạt điều trong nước có chất lượng cao trong khi điều thô nhập khẩu có chất lượng kém hơn. Vì vậy, khi chế biến xuất khẩu, hàng chất lượng cao và hàng chất lượng thấp được trộn lẫn với nhau nên khó xây dựng hình ảnh chung về chất lượng hạt điều Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trong khi đó, với nguồn nguyên liệu trong nước ổn định, chất lượng hạt điều của Ấn Độ được đánh giá cao hơn Việt Nam. Thứ hai, nguyên liệu được nhập về xuất xứ từ nhiều nước khác nhau nên chất lượng, kích thước cũng khác nhau, cần phải có những thiết bị máy móc sản xuất tương thích với sản phẩm.
Chính vì vậy, từ giữa năm 2011 đến nay, chỉ riêng với máy bóc tách vỏ lụa, các công ty đã phải thực hiện cải tiến đến 6 lần, gây chậm trễ tiến độ sản xuất và phát sinh thêm chi phí cải tiến.
Thứ ba, DN trong nước không chủ động được nguyên liệu nhưng lại thiếu thông tin về thị trường thế giới nên không nắm bắt được nhu cầu thực của thị trường, dẫn đến nhiều rủi ro. Chẳng hạn năm 2011 nhiều DN đã tiến hành nhập khẩu điều với một số lượng lớn nhưng không xuất khẩu được hết mà còn tồn hàng đến năm 2012, trong khi lãi suất vay ngân hàng lại rất cao.
Hàng sử dụng không hết dẫn đến nhiều hệ lụy như phải trả lãi cao và phải gánh thêm chi phí bảo quản, chi phí kho bãi nên DN cầm chắc lỗ.
Khát vốn
Ngoài nguyên liệu, tín dụng cũng là một bài toán khiến DN đau đầu. Những tháng đầu năm 2012, các nhà xuất khẩu từ Ấn Độ, Campuchia đã chào bán nguyên liệu thấp hơn so với trước đến 40%, giá nguyên liệu trong nước cũng giảm nhưng DN không có tiền mua vì vay vốn rất khó.
DN điều nằm trong nhóm 20 DN hàng đầu (G20) được ưu đãi vay vốn nhiều hơn những DN khác. Tuy nhiên, hiện nay để vay vốn nhóm G20 phải đáp ứng điều kiện đảm bảo vốn 30%, thay vì 15% như trước. Năm 2011, DN được giải ngân 80% nhu cầu vay thế chấp kho hàng, nhưng năm nay các DN chỉ được giải ngân rải rác từ 30-50%.
Ngoài ra, cần lưu ý khi lãi suất ngân hàng giảm nhưng nhiều DN vẫn chưa dám tính chuyện vay vì sức mua của thị trường thế giới lẫn trong nước đang giảm mạnh khiến hàng hóa tồn kho tăng cao. Theo các nhà giao dịch, nhu cầu của các nhà bán lẻ và nhà dự trữ ở mức thấp do đang có nguồn dự trữ dồi dào, gây sụt giảm đơn hàng của các DN ngành điều.
Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ tín dụng để tái tạo và mở rộng sản xuất kinh doanh vì hiện nay DN chưa nhìn thấy đầu ra, đơn hàng đối với DNNVV nhỏ giọt. Vì vậy, thay vì vay vốn để sản xuất, các DNNVV đang co cụm lại chờ bán hết hàng trong kho rồi mới tính tiếp.
Trước tình hình này, DN rất cần Nhà nước và cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ từ việc phát triển vùng nguyên liệu để xây dựng hình ảnh cho hạt điều Việt Nam, cũng như đảm bảo DN được vay vốn hợp lý, tránh hiện tượng giảm lãi suất trên giấy nhưng thực tế thì lãi suất giảm lại được cộng thêm các loại chi phí khác.
Ngoài ra, DN cũng cần được hỗ trợ các chương trình xúc tiến thương mại để tạo đầu ra cho sản phẩm trong giai đoạn khó khăn nhằm giải quyết hàng tồn kho, duy trì sản xuất trong thời gian tới. Quan trọng nhất là sự quan tâm hỗ trợ này cần phải được thực hiện đồng bộ mới có thể vực dậy được khả năng sản xuất của DN.
Chỉ đến khi đó, DN mới có thể vận hành được hệ thống sản xuất từ thu mua, chế biến đến xuất khẩu đạt chất lượng cao nhất, tốt nhất và thật sự đạt hiệu quả.