Hôm qua 13-6, Quốc hội bắt đầu chương trình chất vấn các thành viên Chính phủ với sự xuất hiện của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang. Nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm trong ngày chất vấn đầu tiên là tình trạng thất thoát sai phạm ở một số tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước, điển hình là vụ Vinalines, những bất cập trong quản lý đất đai thời gian qua.
Bộ quản lý “vô can”
![]() |
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng trong báo cáo của Chính phủ nêu hoạt động của TĐ, TCT nhà nước được các cơ quan quản lý nhà nước giám sát thường xuyên. Trên thực tế vẫn xảy ra nhiều sai phạm, gây thất thoát vốn lớn, nhưng lại được phát hiện chậm.
Vậy Bộ KH-ĐT có trách nhiệm gì về vấn đề này, đặc biệt là trường hợp Vinalines? Khá thẳng thắn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói ông thấy rõ trách nhiệm về vấn đề này. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được tự quyết định và chịu trách nhiệm các dự án đầu tư:
“Khi quyết các dự án, TĐ, TCT đều không báo cáo nên bộ… không nắm được!”. Để khắc phục vấn đề này, Bộ trưởng Vinh cho rằng cần phải làm rõ quy định về đại diện chủ sở hữu của Nhà nước tại DNNN. Từ năm 2010, Bộ KH-ĐT đã chủ trì soạn thảo sửa đổi Nghị định 132 điều chỉnh quy định này, nhưng còn một số vấn đề tranh luận về quan điểm nên Chính phủ cho tạm dừng để nghiên cứu.
Cách đây 1 tháng, Bộ KH-ĐT đã hoàn thiện và một lần nữa trình dự thảo sửa đổi lên Chính phủ. “Chúng tôi đã làm rất nghiêm túc trách nhiệm, đúng thời hạn được giao để sửa đổi những bất cập về quản lý mà thực tiễn đặt ra” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định. Chia sẻ với Bộ trưởng nhưng ĐB Lê Thị Nga băn khoăn: “Vì sao TĐ, TCT không báo cáo bộ về các dự án đầu tư?”.
Giải thích thêm, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết theo quy định hiện hành DNNN khi quyết dự án đầu tư chỉ báo cáo người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) chứ không báo cáo lên các bộ, ngành. Thậm chí, Bộ KH-ĐT đến xin cũng không được.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nói: “2 năm trước cũng tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã tranh luận và trở thành vô can trong câu chuyện thất thoát đầu tư ở các TĐ, TCT. Vừa rồi Bộ trưởng cũng cho biết TĐ, TCT quyết hết, không ai biết gì cả.
Một nguồn lực lớn của đất nước, của nhân dân giao như vậy, cơ quan tham mưu về phân bổ nguồn lực, quản lý hiệu quả nguồn lực là Bộ KH-ĐT lại không biết. Bộ trưởng có xót xa không khi tiền của nhân dân được dùng như tiền riêng. Sửa đổi chính sách chậm, liệu Bộ KH-ĐT có tiếp tục vô can trong những thất thoát sau này?”.
Đáp lại, Bộ trưởng Vinh trần tình: “Tôi thấy rất xót xa và rất trăn trở. Có thể hiện nay thể chế quản lý chưa thật hoàn thiện, nhưng cơ bản đã rõ. Những sai phạm vừa qua phần lớn liên quan đến con người. Ngoài việc hoàn thiện thể chế, vấn đề phẩm chất đội ngũ cán bộ, những người trực tiếp đụng chạm đến tiền, hàng cần được quan tâm hơn nữa”.
Theo Bộ trưởng Vinh, sắp tới trong dự thảo sửa đổi Nghị định 132 quy định rõ bộ chủ quản chuyên ngành sẽ chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các DNNN thuộc bộ mình quản lý.
“Không thể để tiền của Nhà nước mà tiêu giống như của DN tư nhân. Vốn ở DNNN là của Nhà nước, kể cả vốn chủ sở hữu và vốn đi vay. Chúng tôi đang tích cực kiến nghị sửa đổi theo hướng này”.
Khiếu nại đất đai nóng vì chưa minh bạch
Một trong những vấn đề quan trọng được các ĐB đề cập trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang là giải pháp nào để giảm các vụ kiện liên quan đến đất đai. ĐB Nguyễn Minh Sơn (Nam Định) băn khoăn: "2013 là năm cuối cùng hạn giao đất nông nghiệp, xung quanh vấn đề giao đất, thu hồi đất nông nghiệp đã xảy ra nhiều vấn đề gây bức xúc xã hội và có nguy cơ gây bất ổn xã hội. Để giải quyết trong thời gian tới, Bộ TN-MT đã có giải pháp gì?".
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn về việc đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, nhân dân khiếu nại, tái khiếu nại cao. Tại sao? Các ĐB Bùi Thị An và Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng đề nghị bộ trưởng cho biết khi nào giải quyết xong các vụ tranh chấp đất đai trong thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, việc thu hồi, tái định cư, bồi thường tại một số dự án chưa công khai, dân chủ... là nguyên nhân chính dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Mặt khác công tác tạo nghề mới cho người bị thu hồi đất cũng chưa được chú trọng đúng mức.
Việc mâu thuẫn giữa lợi ích của Nhà nước, của người có đất và nhà đầu tư cũng nảy sinh khiếu nại rất nhiều. Vấn đề cơ bản để giải quyết chính là cơ chế thỏa thuận bồi thường. Vừa qua Chính phủ có Nghị định 69 giải quyết rất tốt công tác đền bù, giải tỏa, đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất.
Quyền lợi của người bị thu hồi đất so với trước đây tốt hơn nhiều. Các địa phương cũng đang cố gắng giải quyết thỏa đáng những khiếu nại của người dân. Với hơn 500 vụ khiếu nại liên quan đến đất đai, ông Quang cho biết tới đây cần tập trung để giải quyết dứt điểm.
Về hạn điền, hạn mức sử dụng đất, ông Quang cho biết được giao trách nhiệm báo cáo Trung ương sửa đổi Luật Đất đai. Bộ TN-MT dự kiến sửa theo hướng mở rộng hạn điền 5-10 lần hiện nay, nới thời gian thuê đất đến 50 năm để người dân mở rộng sản xuất, tổ chức sản xuất lớn.
Liên quan đến vụ việc về đất đai gây xôn xao dư luận vừa qua tại Tiên Lãng (Hải Phòng), ông Quang cho rằng đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho công tác đền bù, giải tỏa đất đai. Bộ TN-MT đã phối hợp kiểm tra việc sử dụng đất đai tại các địa phương và đã trực tiếp tham gia giải quyết các vụ tranh chấp đất nóng trong thời gian qua.
“Chia lửa” với Bộ trưởng Bộ TN-MT, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết thời gian qua đã giảm hẳn số người khiếu kiện về đất đai. Theo số liệu từ năm 2008 đến năm 2011 có 79% khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai, trong đó hơn 50% là vấn đề bồi thường, tái định cư.
Hiện vẫn còn 904 vụ khiếu nại tồn đọng (trong đó có 528 vụ liên quan đến Trung ương giải quyết). Theo ông Phong, biện pháp là chủ động rà soát lại tồn đọng, cùng địa phương giải quyết.
Trả lời chất vấn của ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) về việc nhiều dự án thu hồi đất rồi nhưng chậm triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết thời gian vừa qua kinh tế phát triển mạnh, đất đai được huy động phát triển kinh tế lớn. Nhiều nhà đầu tư vì nhiều lý do đã nhận đất nhưng không triển khai được.
Bộ TN-MT đang tổng hợp tình hình này để tham mưu với Chính phủ giải quyết theo hướng nếu quá thời gian quy định nhà đầu tư không triển khai dự án phải thu hồi.