Phải chăng, đây là sự “đánh lận con đen” về ý tưởng tác phẩm để chiêu dụ khán giả?
1. Vở cải lương “Nửa đời hương phấn” ra đời nửa cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, và trở thành một tác phẩm kinh điển trên sân khấu nghệ thuật truyền thống đặc trưng Nam bộ. Vào năm 1961, kịch bản “Nửa đời hương phấn” từng được mua bản quyền để làm thành bộ phim “Bẽ bàng” do Kim Cương và La Thoại Tân đóng vai chính. Năm 2018, đạo diễn Đỗ Thành An cũng mua lại bản quyền “Nửa đời hương phấn” từ người thừa kế hợp pháp của cặp soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, nhưng khi làm phim “Kiều @” lại khẳng định lấy ý tưởng từ “Truyện Kiều”. Có gì khó hiểu ở đây chăng?
1. Vở cải lương “Nửa đời hương phấn” ra đời nửa cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, và trở thành một tác phẩm kinh điển trên sân khấu nghệ thuật truyền thống đặc trưng Nam bộ. Vào năm 1961, kịch bản “Nửa đời hương phấn” từng được mua bản quyền để làm thành bộ phim “Bẽ bàng” do Kim Cương và La Thoại Tân đóng vai chính. Năm 2018, đạo diễn Đỗ Thành An cũng mua lại bản quyền “Nửa đời hương phấn” từ người thừa kế hợp pháp của cặp soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, nhưng khi làm phim “Kiều @” lại khẳng định lấy ý tưởng từ “Truyện Kiều”. Có gì khó hiểu ở đây chăng?
Có gì giống nhau giữa nguyên tác “Nửa đời hương phấn” và bộ phim “Kiều @” không? Giám đốc nghệ thuật cho bộ phim “Kiều @” là họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú giải thích: “Khởi đầu, đoàn phim đã mua bản quyền “Nửa đời hương phấn”. Thế nhưng trong suốt 3 năm làm phim, chỉ có 3 người là đạo diễn, giám đốc nghệ thuật và DOP được biết đây là bộ phim “Kiều@”. Khi viết Nửa đời hương phấn, soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng cũng lấy ý tưởng của Truyện Kiều”.
Cuối bộ phim “Kiều @” có ghi “xây dựng ý tưởng từ Nửa đời hương phấn” và “xây dựng cảm xúc từ Truyện Kiều”. Đạo diễn Đỗ Thành An khẳng định lấy cảm hứng chính từ “Truyện Kiều” để biên kịch và kể nên câu chuyện thời đại: xã hội, gia đình và thân phận người phụ nữ. Kiều @ không phải là kịch bản phóng tác, kịch bản chuyển thể, hơn nữa, kịch bản này còn lấy cảm hứng từ các tác phẩm phái sinh khác từ “Truyện Kiều”.
Những nhà làm phim “Kiều @” nhấn mạnh, việc “lấy cảm hứng” cho phép tác giả tự do hơn, nếu so với việc chuyển thể hoặc phóng tác; thoải mái hơn, tự do hơn trong việc kể nên câu chuyện theo cách nhìn của riêng mình. Không có quy định nào, hoặc định nghĩa nào về việc phải lấy cảm hứng từ một tác phẩm duy nhất. Và thực tế sáng tác cũng cho thấy việc lấy cảm hứng từ những tác phẩm, điển cố, điển tích… đó còn là sự kế thừa có chọn lọc và làm nên những sản phẩm, tác phẩm có chiều sâu hơn, phù hợp với thời đại hơn.
2. “Kiều @” kể về cuộc đời của nhân vật chính tên Hương qua linh hồn tạm thoát xác của chính em ruột mình - Phấn. Trong tiềm thức của một người đã chết, trong sự oan ức, tức tưởi, linh hồn của Phấn tìm ngược về quá khứ để tìm hiểu nguyên nhân vì sao chị gái mình - Hương - lại đẩy mình tới chỗ chết…
Hương (do Phan Thị Mơ đóng), một cô gái nông thôn rời quê lên thành phố học tập, được sống trong cái đủ đầy choáng ngợp của xe hơi, nhà lầu… mà “người yêu” mang tới và ngỡ gặp được “chân ái” đầu đời. Nhưng Định (do Trần Trung đóng), một tên chuyên lừa tình và kinh doanh trên thân xác phụ nữ đã đẩy cô trở thành món đồ giải xui cho các đại gia trong biệt danh Hương Lucky.
Tưởng rằng sẽ bế tắc trong những kiềm kẹp của Định, nhưng sau đó cô đã gặp được Tùng (Mạnh Lân đóng), một bác sĩ yêu cô và hứa hẹn sẽ nên đôi. Tuy nhiên sự xuất hiện của Định sau 3 năm ngồi tù đã buộc Hương phải xa Tùng. Đồng thời vì để tránh điều tiếng cho gia đình và giải cứu em gái Phấn (do Cao Thái Hà đóng) khỏi những trò bẩn thỉu của Định, Hương chua xót quay lại làm gái “ngành”.
Sống trong nhà cao cửa rộng, đủ đầy, cha mẹ, em gái được sống tốt nhờ tiền Hương gửi về nhưng bi kịch rồi cũng tới khi cha mẹ cô đau đớn hiểu được mọi việc. Mẹ mất bởi cú sốc đó, gia đình chối bỏ, Hương trở lại thành phố thực hiện kế hoạch trả thù Định và bao bọc cô em gái non nớt sống trong nỗi oán hận chị gái cố cướp đi tình yêu của mình. “Tình chị duyên em” càng khiến cô đau đớn hơn khi Tùng và Phấn trong lúc say rượu đã mang thai và thành đôi. Oan trái, cạm bẫy cứ giăng sẵn trên đường đời và trói siết lấy cô, Hương quyết định giết Định và chấm dứt sự ê chề của cuộc đời mình… Hương tự vẫn và ướp xác mình: trái tim cô tiếp tục nhịp đập trong cơ thể Phấn, đôi mắt cô có trong đôi mắt cha cô…
Bộ phim “Kiều @” muốn thay đổi “khẩu vị” của khán giả về phim điện ảnh khi sử dụng kỹ thuật một cú máy (one shot) để truyền tải được nội dung kịch bản và thông điệp phim. Tuy nhiên với độ khó của kỹ thuật này và để phù hợp với khả năng, đạo diễn Đỗ Thành An lựa chọn kỹ thuật cú máy tiếp diễn (continuous shot), tức là tạo thành một cú máy khi xong hậu kỳ.
Với tư cách đồng nghiệp, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nhận định về bộ phim “Kiều @” khá nồng nhiệt: “Nói về kịch bản thì tôi thấy viết rất khéo, chuyện đời xưa nhưng lại nói về người hôm nay với vấn đề rất nóng hổi. Nếu như không mượn tứ của “Truyện Kiều” thì rất khó đưa lên màn ảnh. Nhưng tôi thấy trước hết khen đến biên kịch, vì tôi là nghề biên kịch, viết rất khéo và rất biết đưa những câu thơ của Nguyễn Du vào những trường đoạn rất đúng.
Giữa những cái hiện đại và cái cổ điển. Cả về văn học, và cách xử lý của đạo diễn. Những chỗ không cần thì máy lia rất nhanh. Tôi rất sợ lúc đầu, những trường đoạn đầu tôi có bảo: Nếu phim cứ nhanh suốt như thế này thì xem choáng quá bởi vì cũng nhiều chỗ cần phải lắng lại. Nhưng rất may, càng về sau thì những đoạn cần thiết đạo diễn đã lắng và rất đủ để cho người xem tĩnh lại để cảm nhận những cái khúc mắc trong nhân vật”.
Còn NSND Lê Tiến Thọ đánh giá: “Trong sự bùng nổ thông tin, thời đại 4.0, Đỗ Thành An đã cho ra đời bộ phim Kiều @ đó là một cố gắng lớn mà không phải ai cũng làm được. Với lối quay một cú máy (one shot) đầy mới mẻ và táo bạo, là yếu tố tiên phong trong nghệ thuật dàn dựng, phim cho thấy sự tìm tòi, sáng tạo, khám phá ra những hướng đi mới đầy xung lực. Đây cũng là chất xúc tác để ê-kíp làm phim sáng tạo và làm giàu cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy.
Vì ê-kíp làm phim này luôn nhận thức: Chỉ có sáng tạo ra những bộ phim có chất lượng nghệ thuật cao thì điện ảnh Việt Nam mới có hy vọng gắn tên mình vào bản đồ điện ảnh thế giới, điều mà lâu nay giới điện ảnh Việt Nam vẫn luôn khát khao vươn tới”.