1. Đạo diễn Nguyễn Khải Anh (con trai của NSND Nguyễn Khải Hưng) là người cầm trịch cả bộ phim “Người phán xử” và bộ phim “Nhà trọ Balanha”. Nếu như bộ phim “Người phán xử” dựa theo bộ phim “The Abitrator” của Israel, bộ phim “Nhà trọ Balanha” dựa theo bộ phim “Welcome to Waikiki” của Hàn Quốc.
35 tập bộ phim “Nhà trọ Balanha” trên VTV3 với nhiều tình huống hài hước đã mang lại những phút giây thư giãn sảng khoái cho khán giả truyền hình. Bí quyết thành công của “Nhà trọ Balanha” nằm ở đâu? Đạo diễn Nguyễn Khải Anh chia sẻ: “Văn hóa Hàn Quốc có một số tương đồng nhất định với văn hóa Việt và cũng có nhiều điểm khác. Mỗi phim còn phụ thuộc vào cách làm phim của từng đạo diễn.
Xem phim của họ, tôi cảm nhận rằng các nhà làm phim bỏ qua một số chi tiết về đời thường, tạo ra những cái vô lý và chính vô lý ấy bật lên tiếng cười. Ở Việt Nam hơi khác, dù hài nhưng cũng phải thật, phải có lý, sát với đời sống. Vậy từ những cái khác nhau này, chìa khóa nào để khán giả Việt xem phim cảm thấy đây là câu chuyện của chúng ta?
Với “Nhà trọ Balanha” đó là câu chuyện của những người trẻ mới ra trường. Họ giống hệt với tôi ngày xưa nên kịch bản được thay đổi, khai thác kỹ tình huống này để gần gũi hơn. Đặc biệt văn hóa Việt Nam không thể không nhắc đến gia đình được. Trong bản gốc không nói về gia đình nhưng với “Nhà trọ Balanha” phim đẩy mạnh tính truyền thống, gia đình và giáo dục thông qua sự hài hước”.
Một trong những điều phải đắn đo với dòng phim remake là làm sao Việt hóa cho phù hợp với tâm lý người xem trong nước. Khi đưa “Người phán xử” vào kế hoạch làm lại, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam - Đỗ Thanh Hải đã không giấu giếm sự đắn đo: “Kịch bản của Israel thoải mái hơn, cho nên khi Việt hóa chúng tôi đã giảm cảnh sex rất nhiều. Bối cảnh hành động dính đến bạo lực rất nhiều.
Thực ra trước khi bắt tay thực hiện chúng tôi nghiên cứu khả năng thực hiện bộ phim này. Tôi nghĩ khán giả sẽ không thấy phim hoành tráng ở yếu tố hành động mà thấy hấp dẫn ở khía cạnh tâm lý tội phạm. Đây là phim mà trung tâm là ông trùm xã hội, không phải công an như thường thấy ở trong loạt phim hình sự trước kia. Thực tế mô hình ông trùm này chúng ta từng có Năm Cam.
Trong quá trình triển khai kịch bản, chúng tôi có đọc lại tư liệu báo chí và bồi đắp lên nhân vật Phan Quân đầy đủ hơn. Phim hình sự hành động có nhiều tuyến nhân vật đan xen cho nên việc lựa chọn diễn viên phải chuẩn cả về giọng nói cũng là điều khó khăn. Việc một bộ phim có những phân cảnh khai thác câu chuyện nhóm giang hồ, nhân vật xấu phải bộc lộ mức độ phạm tội để luật pháp phải trừng trị là đương nhiên”.
2. Nếu nói những nhà truyền hình tiên phong cổ súy dòng phim remake cũng chưa đúng. Sản phẩm đầu tiên làm lại khiến thị trường sửng sốt là bộ phim “Em là bà nội của anh” đã đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Chính cơn sốt “Em là bà nội của anh” đã khiến những nhà sản xuất nhanh nhạy nhận ra làm lại sản phẩm ăn khách mới là con đường ngắn nhất để hốt bạc. Liên tục những bộ phim remake khác được bấm máy và quảng cáo rùm beng như “Tháng năm rực rỡ”, “Bạn gái tôi là sếp”, “Yêu đi, đừng sợ”, “Ông ngoại tuổi 30”, “Sắc đẹp ngàn cân”, “Yêu em bất chấp”, “Kế hoạch đổi chồng”…
Điện ảnh quyết tâm bám lấy dòng phim remake thì không thể ngăn cản truyền hình ăn theo dòng phim remake. Hiện tại, việc làm phim remake vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Bằng chứng là sau khi khai thác các bộ phim hài hước của nước ngoài, các nhà làm phim nước ta lại quay sang khai thác các bộ phim kinh dị của nước ngoài. Một dự án đang được triển khai khá hứng thú là bộ phim “Game show tử thần” làm lại từ bộ phim “St. ZombieGirls' High School” của đạo diễn nổi tiếng Nhật Bản - Kazuhisa Yusa.
Cũng tương tự như truyền hình không phát sóng các bản gốc, những người làm điện ảnh cũng lựa những bộ phim chưa có mặt ở Việt Nam để làm lại, nhằm tránh sự so sánh không có lợi từ phía khán giả. Thử hỏi, những bộ phim lừng lẫy của các đạo diễn Trung Quốc như Lý An, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca… từng khiến công chúng Việt Nam say mê liệu có nhà sản xuất nào dám làm lại không?
3. Dòng phim remake vẫn là câu chuyện dài của điện ảnh và truyền hình nước ta, khi đội ngũ biên kịch không được đào tạo hợp lý và không được trả thù lao xứng đáng. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân thổ lộ: "Đúng là khi nhà biên kịch được mời tham dự làm phim remake, công việc rất nhàn nhã. Chỉ việc dựa vào đường dây, vào nhân vật của người ta. Sự sáng tạo của mình cũng có, nhưng không nhiều.
3. Dòng phim remake vẫn là câu chuyện dài của điện ảnh và truyền hình nước ta, khi đội ngũ biên kịch không được đào tạo hợp lý và không được trả thù lao xứng đáng. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân thổ lộ: "Đúng là khi nhà biên kịch được mời tham dự làm phim remake, công việc rất nhàn nhã. Chỉ việc dựa vào đường dây, vào nhân vật của người ta. Sự sáng tạo của mình cũng có, nhưng không nhiều.
Do đó, khi phim remake chiếm thế thượng phong ở phòng vé, nhà biên kịch trong nước dễ bị tự ái. Tuy nhiên, chúng ta đừng quá lo lắng về tương lai điện ảnh Việt khi phim remake áp đảo. Tôi cho rằng thị trường sẽ là nơi đào thải khắc nghiệt nhất. Nếu bản remake tồi sẽ bị khán giả tẩy chay, thờ ơ như rất nhiều phim truyền hình từng hứng chịu. Còn nếu nó hay, hút khách thì rất đáng được khen ngợi”.
Còn đạo diễn Phan Gia Nhật Linh phân tích: “Tôi nghĩ rằng, có những phim remake cố gắng bắt chước cho giống phiên bản gốc. Và có những phim remake cố gắng làm sao cho khác phiên bản gốc. Và dù cách nào chúng ta cũng không nên đặt nặng việc so sánh với phiên bản gốc mà phải đặt vào việc làm sao để làm một bộ phim hay”.
Đừng lấy nhu cầu của khán giả làm lá chắn cho sự kém cỏi của những nhà làm phim. Một khi dòng phim remake còn là chọn lựa số một, diện mạo của nền điện ảnh nước nhà vẫn còn méo mó và khuất lấp.