Theo đó, Vingroup cam kết hỗ trợ về giáo trình (tài liệu và công cụ học tập, nội dung khảo thí, các nền tảng trực tuyến hỗ trợ học tập); hỗ trợ xây dựng năng lực (đào tạo nhân lực quản lý các câu lạc bộ tiếng Anh, tình nguyện viên); hỗ trợ nhân lực trực tiếp (ban quản lý, đội ngũ giảng viên, giáo viên, sinh viên, tình nguyện viên, chuyên gia trong và ngoài nước); hỗ trợ truyền thông và các tài chính khác.
Phải nói đây là tin vui trong bối cảnh năm 2022 chúng ta chỉ đón được 3,5 triệu khách nước ngoài, không đạt mục tiêu 5 triệu như kỳ vọng, trong khi các nước mở cửa du lịch quốc tế sau ta như Singapore, Malaysia đều có lượng khách cao hơn.
Tất nhiên, không thể cho rằng có tiếng Anh khách sẽ tăng. Bởi người nước ngoài chọn đi du lịch nước khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố như an ninh, visa, điều kiện đi lại, ăn ngủ, phong cảnh, khí hậu thời tiết, thái độ của các cơ quan công quyền, của người dân nước sở tại… Nhưng không ai phủ định ngôn ngữ được coi là yếu tố ban đầu thiết lập các mối quan hệ trong quá trình đi du lịch đây đó.
Đi du lịch đến TP, quốc gia nào đó có thể trao đổi được với người dân địa phương từ chuyện mua hàng hóa, hỏi đường… thì thật vui và thoải mái. Mục đích của chuyến du lịch là để thăm thú vùng đất mới, thưởng ngoạn phong cảnh, thưởng thức ẩm thực, mua sắm và làm phong phú hơn hiểu biết văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo của những cộng đồng được tiếp xúc.
Muốn hay không cũng phải thừa nhận du lịch ở Philippines, Singapore thấy thoải mái hơn vì hầu như ai cũng biết tiếng Anh ở các mức độ khác nhau. Bởi nếu đến một vùng không ai biết tiếng Anh (được coi là ngôn ngữ quốc tế), trong trường hợp cần giúp khi gặp rủi ro như mất giấy tờ, lạc đường, tai nạn, đau ốm, bất đồng ngôn ngữ là tai họa, trong nhiều trường hợp hệ quả mang lại rất tệ.
Thực tế cho thấy những nước ở Đông Nam Á có tỷ lệ dân nói được tiếng Anh cao có lượng khách du lịch quốc tế đến nhiều hơn. Năm 2019 được coi là năm đỉnh cao du lịch quốc tế của Việt Nam khi đón được 16 triệu khách, nhưng vẫn thấp hơn Thái Lan (40 triệu), Singapore (21 triệu), Indonesia (20 triệu), Malaysia (27 triệu).
Vì vậy, việc cố gắng phổ cập tiếng Anh của Khánh Hòa được ghi nhận là nỗ lực vươn lên để ngang tầm với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, điều quan trọng là hiệu quả mang lại, nếu không chỉ dừng lại ở phong trào, có “phát” mà không “động”, sau vài tháng chìm luôn.
Ở TPHCM cũng có những phong trào vận động học tiếng Anh ở công chức và lực lượng cảnh sát nhưng không mang lại kết quả. Đi trên đường chúng ta vẫn bắt gặp cảnh sát giao thông muốn nhắc nhở, xử phạt người nước ngoài chạy xe máy vi phạm luật giao thông, nhưng không thành vì hai bên không trao đổi được với nhau.
Hoặc khách du lịch nước ngoài đến phường trình báo chuyện mất cắp, mất giấy tờ, bị trấn lột, cán bộ phải chạy tìm người phiên dịch. Thậm chí, ở ngay sân bay nhiều cán bộ nhân viên an ninh, hải quan, phục vụ cứ ngớ người ra cười trừ không biết khách du lịch hỏi cái gì.
Hiện nay, cộng đồng nói tiếng Anh và cả tiếng Pháp, Hoa, Nhật, Hàn tốt nhất ở TPHCM là bà con tiểu thương chợ Bến Thành. Bởi chợ Bến Thành là một trong những điểm đến của khách nước ngoài khi tới TPHCM. Vì thế, để khách tới thăm mua hàng, tiểu thương tối thiểu phải biết tiếng Anh để giao dịch. Cho đến nay hầu như 100% tiểu thương chợ Bến Thành biết tiếng Anh, có nhiều người biết vài ba thứ tiếng đủ để trao đổi với du khách. Hay ở Hà Nội, trẻ em đánh giày, bán đồ lưu niệm xung quanh khu vực hồ Gươm nói tiếng Anh như liên thanh.
Có thể chúng nói tiếng Anh không đúng ngữ pháp, nhưng đảm bảo khách nước ngoài hiểu, thậm chí chúng còn kể chuyện lịch sử Hà Nội cho du khách nghe. Nếu tính theo đơn vị hành chính có lẽ Hội An (phần lõi) có tỷ lệ người có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh cao nhất nước, sau đó đến khu phố Tây Bùi Viện TPHCM.
Từ kinh nghiệm này cho thấy, không nên phát động phong trào hướng đến đông đảo quần chúng ngay, mà trước hết bắt đầu từ những nhóm tiếp xúc thường nhật với du khách quốc tế. Trong đó đầu tiên phải là các cơ quan như hải quan, an ninh sân bay, cảnh sát giao thông, cán bộ hành chính ở các phường trung tâm…
Những người này là đại diện, là bản mặt quốc gia nên phải biết ngoại ngữ. Còn những người buôn bán, chạy taxi và làm các dịch vụ khác, họ sẽ biết cách làm thế nào để học được ngoại ngữ tốt nhất, nếu được chính quyền hỗ trợ về giáo trình giản yếu, giáo viên và những phương tiện khác. Nhìn xa hơn, để hội nhập sâu rộng vào thế giới, Việt Nam cần nâng tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2. Theo đó, cần có chiến lược bài bản, không nên tùy hứng.
Năm 1965 khi Singapore tách ra từ Malaysia để trở thành quốc gia độc lập, ông Lý Quang Diệu đã xác định Singapore chỉ phát triển dịch vụ, trong đó tập trung cho dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục, giải trí chất lượng cao, làm sao để cho cả thế giới đến đây tiêu tiền cho các loại dịch vụ. Để làm được điều này, ông Lý kiên quyết đưa tiếng Anh vào hệ thống giáo dục từ tiểu học và vào trong truyền thông, dù gặp phải sự phản kháng dữ dội của cộng đồng người Hoa chiếm đại đa số (77%).
Philippines có tiếng bản địa là tagalog nhưng vì nó không đủ khả năng chuyển tải các nội dung của khoa học và kinh tế hiện đại, nên từ năm 1935 quốc gia này đã quyết định đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ hành chính. Cho đến nay hầu như tất cả người Philippines đều thông thạo tiếng Anh.
Con đường phổ thông hóa tiếng Anh ở Việt Nam còn gian nan. Vì thế, để được như Singapore, Philippines, đòi hỏi chúng ta phải đầu tư bài bản, và quan trọng nhất là tự ý thức của mỗi người trong việc học tiếng Anh. Toàn dân làm du lịch phải gắn với toàn dân biết tiếng Anh.
Như ông Nguyễn Ngọc Tâm, tiểu thương chợ Xóm Mới, TP Nha Trang, chia sẻ việc triển khai chương trình người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh, rằng ông sẽ quyết học vì “buôn bán toàn chỉ trỏ, ra hiệu thấy xấu hổ lắm, phải học thôi”.