Trong một bài phát biểu hôm thứ Tư (13/10), ông Cunliffe đã so sánh tốc độ tăng trưởng của thị trường tiền điện tử từ 16 tỷ USD trong năm 2017 lên 2,3 nghìn tỷ USD hiện nay với thị trường nợ dưới chuẩn 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2008.
“Khi một thứ gì đó trong hệ thống tài chính đang phát triển rất nhanh và phát triển trong không gian phần lớn không được kiểm soát, các cơ quan quản lý ổn định tài chính phải ngồi lại và lưu ý”, ông nói.
Ông Cunliffe thừa nhận rằng, các chính phủ và cơ quan quản lý phải cẩn thận để không phản ứng thái quá và cũng lưu ý rằng, các công nghệ tiền điện tử mang lại triển vọng “cải tiến triệt để” trong các dịch vụ tài chính.
Tuy nhiên, ông cho rằng, mặc dù rủi ro ổn định tài chính vẫn còn hạn chế cho đến nay, nhưng các ứng dụng hiện tại của các loại tiền điện tử đang đặt ra mối quan tâm về ổn định tài chính vì phần lớn "không có giá trị nội tại và dễ bị điều chỉnh giá lớn”.
Hai tiền điện tử lớn nhất là Bitcoin và Ethereum đã giảm hơn 30% giá trị vào đầu năm nay trước khi phục hồi lại và đã được chứng minh là cực kỳ biến động kể từ khi các tiền điện tử xuất hiện. Giá các loại tiền điện tử dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài từ bình luận của CEO Tesla Elon Musk cho đến các biện pháp kiểm soát của chính phủ Trung Quốc.
“Thế giới tiền điện tử đang bắt đầu kết nối với hệ thống tài chính truyền thống và chúng tôi đang thấy sự xuất hiện của những người chơi sử dụng đòn bẩy. Và quan trọng là điều này đang xảy ra trong không gian phần lớn không được kiểm soát”, ông Cunliffe nói.
Nhận xét của ông lặp lại những nhận xét của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey vào tháng 5, ông đã cảnh báo rằng, các nhà đầu tư tiền điện tử nên chuẩn bị để mất tất cả tiền của họ do tiền điện tử thiếu "giá trị nội tại".
Cơ quan Quản lý Tài chính của Anh cũng đã cảnh báo về tính chất rủi ro của đầu tư tiền điện tử.
Ông Cunliffe cho biết, rủi ro đối với sự ổn định tài chính có thể tăng nhanh nếu thị trường tiếp tục mở rộng với tốc độ như vậy, nhưng quy mô của những rủi ro đó sẽ được xác định bởi tốc độ phản ứng của các cơ quan quản lý và chính phủ.
Ông chỉ ra rằng, trong vòng 5 năm trở lại đây, Bitcoin đã có khoảng 30 lần sụt giá ít nhất 10% chỉ trong 1 ngày, trong đó lớn nhất là mức giảm gần 40% sau một sự cố mạng tại bitcoin.
“Câu hỏi về tương lai là điều gì có thể xảy ra từ những sự kiện như vậy, nếu các loại tiền điện tử này tiếp tục phát triển về quy mô, nếu chúng tiếp tục tích hợp hơn vào lĩnh vực tài chính truyền thống và nếu các chiến lược đầu tư tiếp tục trở nên phức tạp hơn?”, ông Cunliffe nói.
Ông Cunliffe lập luận rằng, trọng tâm là liệu thị trường có thể hấp thụ các đợt điều chỉnh lớn hay không vì mặc dù có thể khiến một số nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng nề nhưng tránh được tác động mạnh lên nền kinh tế thực vốn chịu ảnh hưởng bởi tính liên kết và đòn bẩy.
Cả hai điều này đã xuất hiện trong thị trường nợ dưới chuẩn trước năm 2008 và tạo ra những tác động mạnh mẽ đưa nền kinh tế toàn cầu đi xuống và tính liên kết, đòn bẩy đang ngày càng trở nên nổi bật trong không gian tiền điện tử. Ông cho biết, sẽ phụ thuộc vào các cơ quan chức năng để quản lý rủi ro ngày càng tăng này và đảm bảo rằng hệ thống có khả năng chống chịu với những đợt điều chỉnh lớn.
“Mặc dù thị trường tiền điện tử hoạt động theo những cách mới, nhưng các tiêu chuẩn và quy định được thiết kế tốt nên cho phép quản lý rủi ro trong thế giới tiền điện tử tương tự như được quản lý trong thế giới tài chính truyền thống”, Cunliffe nói.
Nhiều cơ quan quản lý trên khắp thế giới đã bắt đầu làm việc để thiết lập một khuôn khổ chính sách công để thông qua đó quản lý sự phát triển theo cấp số nhân của các loại tiền điện tử, nhưng ông Cunliffe cho biết, điều này phải được theo đuổi như một vấn đề cấp bách.