Phố Wall đánh dấu quý 2 đầy ảm đạm; Giá dầu diễn biến trái chiều

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 giảm phiên thứ 5 liên tiếp vào thứ Năm (18/04), ghi nhận chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 10/2023. Các hợp đồng dầu thô tương lai cũng diễn biến trái chiều khi nhà đầu tư giảm bớt lo ngại về một cuộc chiến giữa Israel và Iran có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu thô.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Phố Wall đánh dấu quý 2 đầy ảm đạm; Giá dầu diễn biến trái chiều

S&P 500 ghi nhận chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 10/2023

Kết phiên, chỉ số S&P 500 mất 0.22% xuống 5,011.12 điểm. Còn chỉ số Nasdaq Composite hạ 0.52% còn 15,601.50 điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones tiến 22.07 điểm, tương đương 0.06%, lên 37,775.38 điểm, nhưng vẫn gần như đi ngang trong năm 2024.

Mỗi ngày trong tuần này, S&P 500 đều tăng điểm tại một thời điểm trong phiên, chỉ để mất đi sắc xanh ngay trước khi đóng cửa.

Với đà sụt giảm này, S&P 500 và Nasdaq Composite đều ghi nhận 5 phiên giảm liên tiếp. Đối với S&P 500, đây là chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 10/2023, ngay trước khi thị trường tăng giá hiện tại bắt đầu. Đây cũng là chuỗi suy giảm dài nhất của Nasdaq Composite kể từ tháng 1/2024.

Các chỉ số chính cũng ghi nhận mức giảm trong tuần này. S&P 500 sụt hơn 2% từ đầu tuần đến nay, còn Dow Jones giảm 0.6%.

Nasdaq Composite bốc hơi hơn 3% trong tuần này khi các cổ phiếu công nghệ gặp khó khăn. Điều đó đã khiến chỉ số này giảm tuần thứ 4 liên tiếp, đánh dấu chuỗi tuần lao dốc dài nhất kể từ tháng 12/2022.

Những động thái trên diễn ra trong một quý 2 đầy khó khăn trên Phố Wall, với cả 3 chỉ số chính đều đang giảm trong tháng 4. Đà suy giảm này một phần do những lo ngại ngày càng tăng xung quanh lạm phát và chính sách tiền tệ của Fed.

Nhà đầu tư đang theo dõi các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp mới nhất được cho là mang đến khởi đầu tích cực cho mùa báo cáo. Theo FactSet, hơn 12% số công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh, trong số đó, có đến 73% số công ty có kết quả vượt kỳ vọng của Phố Wall.

Dầu diễn biến trái chiều khi lo ngại về xung đột giảm bớt

Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu WTI tiến 4 xu, tương đương 0.05%, lên 82.73 USD/thùng. Trong khi, hợp đồng dầu Brent sụt 18 xu, tương đương 0.21%. còn 87.11 USD/thùng. Dầu WTI đã tăng gần 1% lên mức đỉnh trong phiên là 83.47 USD/thùng trước khi quay đầu giảm.

Dầu đã sụt hơn 3% vào ngày 17/04, khi Israel cho đến nay vẫn kiềm chế không tấn công trở lại Iran sau cuộc không kích chưa từng có vào cuối tuần của Iran, làm giảm lo ngại về một cuộc chiến lớn ở Trung Đông.

Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, cho hay: “Bây giờ chúng ta đã chứng kiến một đợt bán tháo lớn và mọi người đang quay trở lại.” Ông Flynn cũng cho biết nhu cầu dầu có vẻ ổn định vì không có dấu hiệu nào về suy thoái kinh tế sắp xảy ra.

Dầu WTI và dầu Brent đã giảm xuống dưới mức giá đã đạt được sau cuộc không kích của Israel vào khu ngoại giao của Iran ở Damascus, Syria vào đầu tháng, sự kiện gây ra làn sóng thù địch hiện nay.

Tamas Varga, Chuyên gia phân tích tại PVM, cho rằng có vẻ như áp lực quốc tế đối với Israel sẽ buộc nước này phải phản ứng một cách “có chừng mực và ôn hoà” trước cuộc tấn công cuối tuần qua của Iran. Ông Varga cũng cho biết các cuộc tấn công của Ukraine vào cơ sở hạ tầng dầu mở của Nga cũng đã giảm bớt.

Giá dầu cũng giảm trong tuần này khi dự trữ xăng dầu của Mỹ tăng 10 triệu thùng trong tuần trước.

Các tin khác