Phố Wall đảo chiều sau báo cáo việc làm mạnh mẽ; Giá dầu khởi sắc

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào thứ Sáu (06/10) ngay cả sau khi công bố dữ liệu việc làm tốt hơn mong đợi của Hoa Kỳ. Giá dầu tăng nhẹ nhưng vẫn ghi nhận mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 3.
Phố Wall đảo chiều sau báo cáo việc làm mạnh mẽ; Giá dầu khởi sắc

Dow tăng gần 300 điểm

Kết phiên, chỉ số Dow Jones tăng vọt 288,01 điểm, tương đương 0,87%, lên 33.407,58. S&P 500 tiến 1,18% lên 4.308,50. Trong khi Nasdaq Composite cộng 1,60%, đóng cửa ở mức 13.431,34.

Bộ Lao động cho biết nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 336.000 việc làm trong tháng 9. Vượt xa con số 170.000 mà các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones dự kiến.

Chứng khoán đã có sự thay đổi đáng kinh ngạc vào thứ Sáu, sau khi ban đầu giảm do báo cáo việc làm tốt hơn mong đợi. Ở mức thấp nhất trong phiên, chỉ số Dow đã giảm tới 272 điểm trước khi tăng hơn 400 điểm ở đỉnh điểm của phiên giao dịch. Nasdaq và S&P 500 giảm 0,9% tại thời điểm thấp nhất trong phiên.

Một phần của đợt phục hồi này có thể chỉ là do thị trường đã bị bán quá mức với S&P 500 tại một thời điểm trong tuần này, giảm hơn 8% so với mức đỉnh hồi đầu năm nay.

Lợi suất ban đầu tăng vọt sau báo cáo, với giao dịch lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm gần mức cao nhất trong 16 năm. Lãi suất chuẩn sau đó đã giảm so với mức đó nhưng vẫn tăng khoảng 6 điểm cơ bản ở mức 4,78%.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu mức tăng của S&P 500 vào thứ Sáu, tăng 1,94%. Cổ phiếu của Monolithic Power Systems, Advanced Micro Devices và Palo Alto Networks đều tăng hơn 4%.

Ford thêm 0,84% và GM nhích 1,95%. Hành động này được đưa ra sau khi Liên đoàn Công nhân United Auto cho biết sẽ không có cuộc đình công mới nào trong tuần này do các cuộc đàm phán với các nhà sản xuất ô tô có tiến triển.

S&P 500 kết thúc tuần tăng 0,48%, phá vỡ chuỗi 4 tuần giảm điểm. Nasdaq cũng ghi nhận một tuần tích cực khi cộng thêm 1,60%. Trong khi đó, chỉ số Dow đóng cửa giảm 0,30%.

Dầu ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3

Vào thứ Sáu, giá dầu Brent tương lai tiến 51 cent, đạt 84,58 USD/thùng. Dầu thô WTI của Hoa Kỳ cộng 48 cent, lên 82,79 USD.

Từ đầu tuần đến nay, giá dầu Brent sụt khoảng 11% và dầu WTI mất hơn 8%, do lo ngại rằng lãi suất cao liên tục sẽ làm chậm tăng trưởng toàn cầu và cản trở nhu cầu nhiên liệu, ngay cả khi nguồn cung bị suy giảm bởi Ả Rập Saudi và Nga sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung cho đến cuối năm.

Bên cạnh đó, tâm lý đón nhận số liệu thống kê về dữ liệu việc làm trái chiều đối với giá dầu. Các nhà phân tích cho biết nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ có thể thúc đẩy tâm lý về nhu cầu dầu trong ngắn hạn, nhưng ngược lại, số liệu thống kê lại khiến đồng đô la Mỹ mạnh hơn và làm tăng khả năng có một đợt tăng lãi suất khác vào năm 2023.

Đồng đô la Mỹ mạnh thường tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu, khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Mặt khác, Nga tuyên bố đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel đối với nguồn cung cấp đến các cảng bằng đường ống. Các công ty vẫn phải bán ít nhất 50% sản lượng diesel cho thị trường nội địa.

Chênh lệch giá giữa dầu gas và dầu Brent tương lai giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 ở mức 23,59 USD/thùng theo tin tức, nhưng sau đó đã tăng trở lại lên 25,84 USD.

Trong một dấu hiệu về nguồn cung tương lai của Mỹ, số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 5 giàn xuống 497 trong tuần này, con số thấp nhất kể từ tháng 2/2022, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết hôm thứ Sáu.

Các tin khác