Phố Wall khởi sắc ngày đầu tuần; Giá dầu giảm nhẹ

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 tiến lên mức đóng cửa cao kỷ lục mới vào thứ Hai (23/09), khi nhà đầu tư tìm cách nối dài đà tăng tuần trước sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất. Giá dầu giảm nhẹ, khi lo ngại về nhu cầu gia tăng do hoạt động kinh doanh gây thất vọng tại khu vực đồng Euro và nền kinh tế Trung Quốc suy yếu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Phố Wall khởi sắc ngày đầu tuần; Giá dầu giảm nhẹ

S&P 500 tiến lên mức kỷ lục mới

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&O 500 tiến 0.28% lên 5,718.57 điểm, chỉ số Dow Jones cộng 61.29 điểm, tương đương 0.15%, lên 42,124.65 điểm. Cả 2 chỉ số này đều đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 0.14% lên 17,974.27 điểm.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau một tuần thắng lợi trên Phố Wall xoay quay quyết định hạ lãi suất 50 điểm cơ bản của Fed, lần hạ lãi suất đầu tiên trong 4 năm qua. Mặc dù có một số biến động sau thông báo ban đầu, chứng khoán Mỹ đã nhảy vọt những ngày sau đó.

Vào ngày 20/09, Dow Jones khép phiên tại mức cao kỷ lục, đáng chú ý vượt mốc 42,000 điểm. Cả 3 chỉ số đều tăng hơn 1% trong tuần trước, trong đó S&P 500 cũng đạt mức cao kỷ lục mới.

Nhà đầu tư đã phân tích dữ liệu kinh tế mới vào thứ Hai, bao gồm sô liệu PMI hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 8 rớt xuống mức thấp nhất trong 15 tháng.

Nhà đầu tư sẽ cảnh giác với bất kỳ dữ liệu kinh tế nào có thể làm giảm hy vọng về một kịch bản “hạ cánh nhẹ nhàng”. Dữ liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần vào ngày 26/09 sẽ mang đến cho Phố Wall cái nhìn sâu sắc hơn về tình hình kinh tế và thị trường lao động.

Karl Schamotta, Giám đốc chiến lược thị trường tại Corpay, cho rằng: “Nhà đầu tư đang hoạt động theo giả định rằng sự suy yếu của thị trường lao động đang thúc đẩy chính sách của Fed, và đã đặt trọng tâm vào những thay đổi tương đối nhỏ trong báo cáo việc làm, nhưng có khả năng giả định này là sai lầm. Và nếu đúng như vậy, lộ trình biến động có thể sẽ được vẽ lại.”

Hoạt động kinh doanh tại châu Âu suy yếu

Khép phiên, hợp đồng dầu Brent mất 59 xu, tương đương 0.8%, xuống 73.90 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI hạ 63 xu, tương đương 0.9%, còn 70.37 USD/thùng.

Hoạt động kinh doanh tại khu vực đồng Euro bất ngờ giảm mạnh trong tháng này khi ngành dịch vụ thống trị khối này không có gì thay đổi, còn sản xuất thì giảm mạnh.

Hoạt động kinh doanh tại Mỹ ổn định trong tháng 9, nhưng giá trung bình tính cho hàng hoá và dịch vụ tăng với tốc độ nhanh nhất trong 6 tháng, có khả năng ám chỉ đến sự gia tăng lạm phát trong những tháng tới.

Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đang phải vật lộn với áp lực giảm phát và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng mặc dù đã có một loạt các biện pháp chính sách nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cáo phụ trách giao dịch tại BOK Financial, cho hay: “Những số liệu kinh tế đáng thất vọng từ Trung Quốc cùng với sự chững lại bất ngờ trong sản xuất tại châu Âu đang khiến nhu cầu dầu thô xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.”

Những lo ngại về nguồn cung xuất phát từ các cuộc không kích của Israel vào các mục tiêu của Hezbollah vào thứ Hai đã giúp hỗ trợ giá dầu. Sau gần 1 năm chiến tranh ở Gaza, Israel đang chuyển trọng tâm sang biên giới phía Bắc, tại đây Hezbollah đã bắn tên lửa để hỗ trợ đồng mình Hamas của mình.

Một nhiễu động nhiệt đới gần Vịnh Mexico cũng đang đe doạ nguồn cung dầu. Shell cho biết vào hôm 22/09 rằng sẽ đóng cửa sản xuất tại các cơ sở Stones và Appomattox trong khu vực như một biện pháp phòng ngừa.

Các tin khác