Cố phiếu bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của Apple, Tesla
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giảm 0.4% xuống 3,824.14 điểm khi chỉ số sản xuất tháng 12 của Mỹ lao dốc với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2020. Chỉ số Dow Jones bốc hơi 10.88 điểm, tương đương 0.03%, xuống 33,136.37 điểm khi cổ phiếu Boeing xoá bớt mức giảm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0.76% còn 10,386.99 điểm.
Cổ phiếu Tesla và Apple đều trượt dốc, gây áp lực lên thị trường chung khi lĩnh vực công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất để đối phó với lạm phát. Cổ phiếu Tesla trượt dốc 12.24%, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020, sau đợt giao hàng quý 4 gây thất vọng. Cổ phiếu Apple sụt 3.74% do báo cáo cho hay công ty sẽ cắt giảm sản lượng vì nhu cầu suy yếu.
Tâm lý này của thị trường có thể kéo dài trong năm 2023 khi ngân hàng trung ương tiếp tục nâng lãi suất trong những tháng tới, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái.
Tất nhiên, có thể có những ngày tươi sáng trong tương lai. Lịch sử cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ có xu hướng phục hồi sau nhiều năm sụt giảm. Thực tế, S&P 500 bình quân đã phục hồi 15& trong năm tiếp theo sau một năm mà chỉ số này mất hơn 1%.
Nhà đầu tư chuẩn bị đón nhận một loạt dữ liệu trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023, những dữ liệu này sẽ cung cấp thêm thông tin về tình hình nền kinh tế.
Vào ngày thứ Ba, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất thấp hơn so với dự báo, báo hiệu mức suy giảm nhanh nhất kể từ tháng 5/2020. Vào cuối phiên, dữ liệu cho thấy chi tiêu cho xây dựng trong tháng 11 của Mỹ đã tăng nhẹ, cho thấy ngành này có thể đang phục hồi.
Thứ Tư (04/01) là một ngày trọng đại với dữ liệu Khảo sát cơ hội việc làm và luân chuyển lao động (JOLTS) công bố vào buổi sáng và biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed công bố vào buổi chiều.
Dầu lao dốc trước nỗi lo về Trung Quốc
Khép phiên, hợp đồng dầu Brent giao tháng 3 mất 3.58 USD, tương đương 4.2%, còn 82.33 USD/thùng, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong hơn 3 tháng. Hợp đồng dầu WTI của Mỹ giảm 3.11 USD, tương đương 3.9%, xuống 77.15 USD/thùng, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng. Cả 2 hợp đồng dầu đều tăng 1 USD/thùng hồi đầu phiên.
Robert Yawger, Chuyên gia phân tích của Mizuho cho hay: “Có rất nhiều lý do để lo ngại ở đây - tình hình Covid-19 ở Trung Quốc và lo ngại về suy thoái kinh tế trong tương lai gần đang gây áp lực lên thị trường.”
Chính phủ Trung Quốc đã nâng hạn ngạch xuất khẩu đối với các sản phẩm dầu tinh chế trong đợt đầu tiên của năm 2023. Các thương nhân cho rằng sự gia tăng này là do kỳ vọng nhu cầu trong nước kém khi quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới tiếp tục chiến đầu với làn sóng lây nhiễm Covid-19.
Hoạt động nhà máy ở Trung Quốc cũng bị thu hẹp trong tháng 12/2022 khi tình trạng lây nhiễm gia tăng làm gián đoạn sản xuất và gây áp lực lên nhu cầu, sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Góp phần vào triển vọng kinh tế ảm đạm, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva, hôm Chủ nhật (01/01) cho biết nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều đang trì trệ, khiến năm 2023 khó khăn hơn so với năm 2022 đối với nền kinh tế toàn cầu.
Đồng đô la Mỹ ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong hơn 2 tuần. Đồng đô la Mỹ mạnh hơn có thể làm giảm nhu cầu dầu vì hàng hoá này được neo giá theo đồng bạc xanh sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Theo dự kiến mới nhất của chính phủ, sản lượng dầu thô tại Mỹ trong năm 2023 được dự báo sẽ tăng trung bình 620,000 thùng/ngày, thấp hơn khoảng 1/3 so với mức dự báo tăng 1 triệu thùng/ngày hồi đầu năm.