Phố Wall nhuộm đỏ sau báo cáo PPI; Dầu “bốc hơi” nhẹ

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào thứ Năm (12/12), chịu sức ép từ báo cáo lạm phát của Mỹ nóng hơn dự kiến. Giá dầu giảm nhẹ khi dự báo nguồn cung dồi dào trên thị trường dầu đã lấn át sự lạc quan xuất phát từ kỳ vọng ngày càng tăng về việc giảm lãi suất của Mỹ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Phố Wall nhuộm đỏ sau báo cáo PPI; Dầu “bốc hơi” nhẹ

Cổ phiếu công nghệ khó duy trì đà tăng

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,66% xuống 19.902,84 điểm, trượt khỏi mốc 20.000 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,54% còn 6.051,25 điểm. Chỉ số Dow Jones lao dốc 234,44 điểm, tương đương 0,53%, xuống 43.914,12 điểm, ghi nhận phiên giảm thứ 6 liên tiếp.

Các cổ phiếu công nghệ nằm trong số những cổ phiếu sụt giảm đáng chú ý, với cổ phiếu Nvidia bốc hơi hơn 1%. Cổ phiếu Adobe trượt dài hơn 13% sau khi công ty đưa ra triển vọng yếu hơn dự báo vào năm 2025. Cổ phiếu Meta Platforms, Alphabet và Amazon cũng khép phiên giao dịch với sắc đỏ.

Chỉ số giá sản xuất (PPI), theo dõi giá bán buôn, tăng 0,4% trong tháng trước, cao hơn so với dự báo tăng 0,2% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần sau dữ liệu trên.

Dữ liệu PPI được công bố sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ, số liệu CPI trùng khớp với dự báo của các nhà kinh tế và đã thúc đẩy nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm lần nữa tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.

Theo công cụ CME FedWatch, thị trường dự báo xác suất 95% Fed sẽ hạ lãi suất 0,25% vào tuần tới.

Phố Wall vừa trải qua một phiên giao dịch trái chiều vào ngày 11/12, với Nasdaq Composite vượt ngưỡng 20.000 điểm lần đầu tiên và đạt mức cao mọi thời đại cũng như khép phiên tại mức cao kỷ lục. S&P 500 cũng tăng điểm. Tuy nhiên, Dow Jones lại suy giảm.

IEA dự báo tình trạng dư cung

Khép phiên, hợp đồng dầu Brent mất 11 xu xuống 73,41 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI sụt 27 xu còn 70,02 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu đều tăng hơn 1 USD/thùng vào hôm 11/12.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường sầu sẽ được cung cấp thoải mái vào năm tới, ngay cả khi điều chỉnh triển vọng nhu cầu tăng nhẹ cho năm tới. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu trong năm 2024 tháng thứ 5 liên tiếp hồi thứ Tư và với mức cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay.

Giovanni Staunovo, Chuyên gia phân tích hàng hoá tại UBS cho rằng: “Họ vẫn dự báo thị trường sẽ dư cung nghiêm trọng, nhưng điều này đã giảm nhẹ với việc điều chỉnh nhu cầu của họ. Thị trường đang chờ thêm tin tức về các biện pháp tài khoá trên toàn thế giới, tôi dự báo giá dầu sẽ không biến động lớn trong thời gian tới.”

Tại Mỹ, lạm phát tăng nhẹ, phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Nhà đầu tư nhìn chung đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất thêm lần nữa, thúc đẩy một số lạc quan về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng.

Tại quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới là Mỹ, dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất tăng mạnh hơn dự kiến trong tuần trước, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Nhu cầu suy yếu, đặc biệt là ở quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc, cùng với tăng trưởng nguồn cung ở các quốc gia không thuộc OPEC+ là 2 yếu tố đứng sau động thái này. Tuy nhiên, nhà đầu tư dự báo nhu cầu ở Trung Quốc sẽ tăng, sau khi Bắc Kinh công bố kế hoạch trong tuần này về việc áp dụng chính sách tiền tệ “khá nới lỏng” trong năm 2025, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu.

Nhu cầu dầu toàn cầu tăng với tốc độ chậm hơn dự báo trong tháng này, nhưng vẫn duy trì được khả năng phục hồi, JPMorgan lưu ý.

Kim ngạch nhập khẩu dầu thô tháng 11 của Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ năm trước, lần đầu tiên trong 7 tháng, tăng hơn 14% sao với năm trước.

Thị trường hiện sẽ theo dõi những tín hiệu về việc giảm lãi suất của Fed vào tuần tới.

Các tin khác