Dow Jones tăng gần 400 điểm
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tăng 1,33% lên 4.146,22, mức khép phiên cao nhất kể từ tháng Hai. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,99% lên 12.166,27. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhảy vọt 383,19 điểm, tương đương 1,14%, lên 34.029,69.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 đã giảm 0,5% so với tháng trước. Trong khi các nhà kinh tế kỳ vọng rằng giá cả sẽ không thay đổi. Không bao gồm thực phẩm và năng lượng, chỉ số giá bán buôn cốt lõi sụt 0,1% so với tháng trước, tốt hơn nhiều so với mức tăng 0,2% mà các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones dự đoán.
Dữ liệu PPI đã xác nhận xu hướng lạm phát hạ nhiệt từ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 được công bố hồi thứ Tư, chỉ tiến 0,1% so với tháng trước. Giá tiêu dùng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhỏ nhất trong gần hai năm.
Cổ phiếu công nghệ, một trong những cổ phiếu bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời kỳ lạm phát và lãi suất gia tăng, đã tăng vọt vào thứ Năm. Cả hai lĩnh vực dịch vụ truyền thông và công nghệ thông tin đều nằm trong số những ngành tăng điểm đáng chú ý trong S&P 500. Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đều tăng, với cổ phiếu của Amazon tăng 4,7%. Cổ phiếu của Alphabet và Meta lần lượt cộng thêm 2,7% và 3%. Cổ phiếu Tesla cũng tăng gần 3%.
Phiên giao dịch ngày Thứ Tư đánh dấu chuỗi 2 ngày giảm điểm của S&P 500 khi biên bản cuộc họp tháng 3 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cho thấy Fed dự đoán cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây sẽ gây ra một cuộc suy thoái nhẹ vào cuối năm nay.
Dầu giảm 1%
Khép phiên, dầu thô Brent giảm 1,24 US cent, tương đương 1,42%, xuống 86,09 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ WTIcủa Mỹ rớt 1,10 USD, tương đương 1,32%, xuống 82,16 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng dầu Brent và WTI đều tăng 2% vào thứ Tư lên mức cao nhất trong hơn một tháng khi lạm phát của Hoa Kỳ hạ nhiệt thúc đẩy hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất.
Tuy nhiên, biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed chỉ ra rằng căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, điều này sẽ làm suy yếu nhu cầu dầu mỏ của Hoa Kỳ.
Cũng gây áp lực lên giá dầu, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã cảnh báo những rủi ro suy giảm đối với nhu cầu dầu mùa hè trong một báo cáo định kỳ hàng tháng vào thứ Năm. Báo cáo nhấn mạnh tồn kho dầu tăng và một số thách thức đối với tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu đã bị hạn chế do OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023. Các chỉ số kinh tế khác cũng hỗ trợ giá dầu.
Chỉ số đô la Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng vào thứ Năm sau khi giá sản xuất (PPI) bất ngờ giảm trong tháng 3, thúc đẩy kỳ vọng rằng Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Đồng bạc xanh yếu hơn khiến dầu được định giá bằng đô la rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, làm tăng nhu cầu.
Nhà phân tích Robert Yawger của Mizuho cho biết: “Các dấu hiệu phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm hàng đầu, đã hỗ trợ thêm cho giá dầu.”
Cụ thể, dữ liệu cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 3 đã tăng 22,5% so với một năm trước, lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2020.
Thị trường vẫn quay cuồng với quyết định gây sốc của OPEC và các đồng minh, được gọi là OPEC+, về việc cắt giảm thêm sản lượng.
Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế kỳ vọng động thái này sẽ thắt chặt nguồn cung trong nửa cuối năm và đẩy giá dầu lên cao hơn.