Phố Wall tăng 4 phiên liền
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 0,85%, đạt 4.510,04, trong khi Chỉ số Dow Jones cộng 47,71 điểm, tương đương 0,14%, đóng cửa ở mức 34.395,14. Nasdaq Composite nhích 1,58% lên 14.138,57. Đây là ngày tăng thứ 4 liên tiếp đối với các mức trung bình chính.
Cổ phiếu an ninh mạng Palo Alto Networks thêm 2,7%. Trong khi đó, cổ phiếu của MGM Resorts và Alphabet tăng lần lượt 4,1% và 4,7%.
Báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 6 tăng ít hơn dự đoán, góp phần vào sự lạc quan từ dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng hôm thứ Tư. Chỉ số PPI, đo lường những gì người bán buôn phải trả cho hàng hóa, nhích 0,1% trong tháng 6, thấp hơn so với mức tăng 0,2% do các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones dự đoán. PPI cốt lõi, không baỏ gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động, tăng 0,1% - cũng thấp hơn kỳ vọng.
Mike Loewengart, Trưởng bộ phận xây dựng danh mục đầu tư mô hình tại Văn phòng Đầu tư Toàn cầu của Morgan Stanley, cho biết: “Chỉ số PPI xác nhận lạm phát hạ nhiệt vốn đã thể hiện trong chỉ số CPI của ngày hôm qua, nhưng số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần thấp hơn dự kiến là một lời nhắc nhở về tình trạng thắt chặt thị trường lao động.”
Loewengart chia sẻ thêm: “Hiện tại, tình hình dường như đang được thiết lập: Fed vẫn đang trên đà tăng lãi suất trong một vài tuần nữa và các nhà đầu tư sẽ chuyển sự tập trung sang bảng cân đối kế toán của công ty khi mùa báo cáo thu nhập bắt đầu.”
Giá dầu tăng do lạm phát Mỹ giảm
Khép phiên, dầu thô Brent kỳ hạn tăng 1,25 USD, tương đương 1,6%, lên 81,36 USD/thùng. Dầu Brent đã chạm mức đỉnh trong phiên là 81,57 đô la, mức cao nhất kể từ ngày 25/4.
Hợp đồng tương lai dầu thô WTI của Hoa Kỳ tiến 1,14 USD, tương đương 1,5%, lên 76,89 USD. Trong phiên WTI đã có lúc ghi nhận đạt mức 77,13 đô la, mức cao nhất kể từ ngày 26/4.
Dữ liệu vào thứ Tư cho thấy giá tiêu dùng của Hoa Kỳ tăng nhẹ trong tháng 6 và ghi nhận mức tăng hàng năm nhỏ nhất trong hơn 2 năm khi lạm phát tiếp tục giảm.
John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York, cho hay dữ liệu đã khiến chỉ số đô la Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022, góp phần thúc đẩy giá dầu.
Đồng đô la yếu hơn làm cho dầu thô rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Thị trường mong đợi chỉ một lần tăng lãi suất nữa. Lãi suất cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Giá dầu đã tăng hơn 11% trong hai tuần, chủ yếu là do việc cắt giảm nguồn cung từ các nhà sản xuất hàng đầu là Ả Rập Saudi và Nga.
Cấu trúc hợp đồng tương lai của dầu Brent chuẩn toàn cầu cho thấy thị trường đang thắt chặt và OPEC có thể đang thành công trong sứ mệnh hỗ trợ thị trường.
Phí bảo hiểm của hợp đồng dầu Brent giao ngay với hợp đồng dầu Brent kỳ hạn 6 tháng đã tăng lên 2.64 USD/thùng vào ngày thứ Tư.
Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm thứ Năm dự đoán nhu cầu dầu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, mặc dù những khó khăn kinh tế lớn hơn và lãi suất tăng với mức tăng có thể sẽ thấp hơn một chút so với dự đoán trước đó.
Một báo cáo khác của OPEC cũng được công bố vào thứ Năm đã duy trì triển vọng lạc quan về nhu cầu dầu thế giới bất chấp sự suy yếu của nền kinh tế. OPEC đã nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2023 và dự đoán chỉ giảm nhẹ vào năm 2024, với Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng sử dụng nhiên liệu.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, đà phục hồi sau đại dịch đã chậm lại, với xuất khẩu giảm vào tháng trước với tốc độ nhanh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ba năm trước, Cục Hải quan nước này cho biết.