Phố Wall rực xanh sau báo cáo lạm phát; Dầu tăng sau khi Trung Quốc hạ lãi suất

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ tăng hôm thứ Ba (13/6) sau khi dữ liệu lạm phát mới cho thấy áp lực giá đã chậm lại trong tháng 5, làm tăng thêm sự lạc quan của nhà đầu tư rằng Fed có thể bỏ qua việc tăng lãi suất trong tuần này. 
Phố Wall rực xanh sau báo cáo lạm phát; Dầu tăng sau khi Trung Quốc hạ lãi suất

S&P 500 và Nasdaq đạt mức cao mới trong 13 tháng

Khép phiên, chỉ số Dow Jones tăng 145,79 điểm, tương đương 0,43%, đóng cửa ở mức 34.212,12. S&P 500 tiến 0,69% đạt 4.369,01 và Nasdaq Composite cộng 0,83% lên 13.573,32.

S&P 500 và Nasdaq đều ghi nhận mức tăng mới trong 13 tháng tại phiên giao dịch ngày thứ Ba. Cả hai chỉ số đều đạt mức kết phiên cao nhất kể từ tháng 4/2022 vào thứ Hai. Hiện tại, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 25% so với mức thấp nhất trong tháng 10, vượt qua định nghĩa đơn giản về thị trường giá lên.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 5 tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng hàng năm chậm nhất kể từ tháng 3/2021. Sau báo cáo này, các nhà đầu tư đã đặt cược nhiều hơn rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất vào thứ Tư sau khi tăng 10 lần liên tiếp. Tỷ lệ dự đoán mới nhất là khoảng 91% khả năng ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất ở mức mục tiêu hiện tại, cụ thể từ 5% đến 5,25%, theo công cụ FedWatch của CME Group.

″Fed sẽ báo hiệu có ít nhất một lần tăng lãi suất nữa vào cuối năm 2023, phù hợp với kỳ vọng của thị trường và sẽ hướng tới việc 'bỏ qua' thay vì tạm dừng kéo dài để ngồi lại và quan sát các tác động của việc tăng lãi suất 5% kể từ khi bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất.” Gargi Chaudhuri, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư iShares, Châu Mỹ, tại BlackRock, cho biết.

Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng khi lạm phát và lãi suất giảm thúc đẩy sự lạc quan cho lĩnh vực này. Cổ phiếu của Oracle tăng 0,2%, một ngày sau khi nhà cung cấp phần mềm này công bố kết quả kinh doanh vượt ước tính của Phố Wall trong quý tài chính thứ tư. Cổ phiếu của gã khổng lồ phát trực tuyến Netflix tăng 2,8%.

Giá dầu tăng 3%

Việc giảm lãi suất, nhằm tạo thêm động lực cho sự phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất, có khả năng làm tăng nhu cầu dầu mỏ.

Kết phiên, dầu thô Brent kỳ hạn tăng 2,22 USD, tương đương 3%, lên 74,06 USD/thùng. Dầu thô WTI của Hoa Kỳ tăng 2,75 USD, tương đương 3,1%, ở mức 69,19 USD/thùng.

Giá dầu hôm thứ Hai đã sụt khoảng 4%, một phần vì lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc sau dữ liệu kinh tế đáng thất vọng hồi tuần trước.

Thị trường chứng khoán, thường được giao dịch song song với dầu, cũng khởi sắc vào thứ Ba.

Sự gia tăng nguồn cung toàn cầu đang đè nặng lên thị trường, cùng với những lo ngại về tăng trưởng nhu cầu, trước cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed kết thúc vào thứ Tư.

Hầu hết những người tham gia thị trường đều kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất, đặc biệt là sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của Hoa Kỳ hầu như không tăng trong tháng 5/2023.

Việc Fed tăng lãi suất đã củng cố đồng đô la, khiến hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác và gây áp lực lên giá dầu, do đó, việc tạm dừng tăng lãi suất có thể là một tín hiệu tích cực.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất vào thứ Năm.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 ổn định trong tháng thứ tư liên tiếp vào thứ Ba, làm tăng nhẹ kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc.

Một báo cáo định kỳ hàng tháng khác của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào thứ Tư sẽ cung cấp thêm tín hiệu về thị trường.

Các tin khác