Nhà đầu tư cố gắng rũ bỏ nỗi sợ ngành ngân hàng
Kết phiên, chỉ số Dow Jones tăng 132,28 điểm, tương đương 0,41%, đóng cửa ở mức 32.237,53. S&P 500 tiến 0,56%, trong khi Nasdaq Composite cộng 0,3%. Các chỉ số chính đều có một tuần khởi sắc, với chỉ số Dow tăng 0,4% từ đầu tuần đến chiều thứ Sáu, trong khi S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 1,4% và 1,6%.
Nhân tố thúc đẩy thị trường chính là sự phục hồi trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng khu vực. Lĩnh vực này đã phục hồi ngày thứ Sáu, với chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF tăng vọt 3,01%.
Làn sóng bán tháo cổ phiếu niêm yết tại Hoa Kỳ của Deutsche Bank vào sáng thứ Sáu đã gây áp lực lên tâm lý thị trường và các chỉ số chính, trước khi ngân hàng khôi phục phần nào “khoản lỗ” trước đó. Deutsche Bank đóng cửa với mức giảm 3,11%, sau khi lao dốc 7% hồi đầu phiên.
Một đợt bán tháo cổ phiếu đã được kích hoạt sau khi các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của nhà cho vay Đức tăng vọt, nhưng không có bất kỳ lý do rõ ràng nào. Động thái này một lần nữa làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của ngành ngân hàng châu Âu. Trước đó, đầu tháng này, các nhà quản lý Thụy Sĩ đã buộc UBS phải mua lại đối thủ Credit Suisse. Cổ phiếu Deutsche Bank giao dịch ở mức tồi tệ nhất trong phiên, khiến các chỉ số chính của Hoa Kỳ xóa sạch đà tăng đầu phiên.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đã cố gắng xoa dịu những lo ngại, cho biết các ngân hàng khu vực đồng euro đang kiên cường với vị thế vốn và thanh khoản mạnh mẽ. Bà cũng Lagarde cho biết ECB có thể cung cấp thanh khoản nếu cần thiết.
Các nhà đầu tư tiếp tục đánh giá động thái chính sách mới nhất của Fed được công bố trong tuần này. Ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Tuy nhiên, Fed cũng ám chỉ rằng chiến dịch tăng lãi suất của họ có thể sẽ sớm kết thúc. Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý rằng các điều kiện tín dụng đã thắt chặt, điều này có thể gây áp lực lên nền kinh tế.
Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết các cơ quan quản lý sẵn sàng hành động nhiều hơn nếu cần để ổn định các ngân hàng Hoa Kỳ. Đây là động thái mới nhất trong số các cơ quan quản lý nhằm củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ sau khi Silicon Valley Bank và Signature Bank đóng cửa.
Giá dầu trượt dốc
Khép phiên giao dịch, dầu thô Brent giảm 95 cent, tương đương 1,3%, xuống 74,96 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI kỳ hạn của Mỹ mất 74 cent, tương đương 1,1%, xuống 69,22 USD/thùng.
Cả hai điểm chuẩn, đã giảm hơn 4% hồi đầu phiên, trên đà kết thúc tuần lạc quan, sau khi công bố mức giảm hàng tuần lớn nhất trong nhiều tháng vào tuần trước do tình trạng hỗn loạn của ngành ngân hàng và lo ngại về khả năng suy thoái.
John Kilduff, đối tác tại Again Capital cho biết: “Chúng tôi đang đi theo những “cơn gió ngược” về kinh tế vĩ mô và có một mối tương quan mới được phát hiện với cổ phiếu.”
Cổ phiếu ngân hàng trượt dốc vào đầu phiên tại châu Âu với Deutsche Bank và UBS Group bị ảnh hưởng nặng nề do lo ngại rằng những vấn đề tồi tệ nhất trong lĩnh vực này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vẫn chưa được kiểm soát.
Đồng đô la tăng mạnh 0,6% cũng thúc đẩy việc bán tháo. Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Kỳ vọng nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc giúp hạn chế mức giảm, khi Goldman Sachs cho biết nhu cầu hàng hóa đang tăng ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, với nhu cầu dầu lên tới 16 triệu thùng/ngày.