Nhận rõ tình hình trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 541 về tăng cường thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19, khẳng định nguy cơ dịch luôn thường trực nhưng đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, xuất hiện hiện tượng ngại tiêm vaccine phòng bệnh.
Vì vậy, để duy trì vững chắc thành quả phòng chống dịch và thực hiện thành công mục tiêu kép, Chính phủ yêu cầu tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện hiệu quả phương châm "phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình".
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch trên phạm vi quản lý. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chính về việc phòng chống dịch trên địa bàn; báo cáo cấp ủy cùng cấp để thống nhất chỉ đạo.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống. Trường hợp phát hiện ca bệnh, phải tập trung chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo về chuyên môn, chủ động tham mưu đề xuất các vấn đề liên ngành vượt thẩm quyền.
Các tỉnh thành tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm các biện pháp, như yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng chống dịch, cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch. Các sự kiện hoạt động tập trung đông người không cần thiết được yêu cầu tiếp tục hạn chế, nếu tổ chức phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn.
Tại châu Á, Ấn Độ đang đối mặt nguy cơ vỡ trận vì số ca nhiễm mới và số người chết tăng cao kỷ lục. Bệnh viện Ấn Độ quá tải, việc hỏa táng người xấu số tạo thành những vùng lửa đỏ rực hai bên sông Hằng. Sở dĩ Ấn Độ rơi vào đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng vì họ vừa trải qua mùa xuân có quá nhiều lễ hội. Các quốc gia gần với Việt Nam như Thái Lan và Campuchia cũng đối diện những diễn biến Covid-19 rất phức tạp. Viện Pasteur TPHCM trong quá trình giải trình tự gen các ca nhiễm nhập cảnh từ Campuchia gần đây, kết quả 85,7% mẫu mang biến thể B1.1.7 và 14,3% mẫu mang biến thể B.1.351. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Nhìn bức tranh tổng thể Covid-19 trên toàn cầu, nhất là các nước trong khu vực, chúng tôi rất lo lắng về nguy cơ tình hình dịch lây nhiễm vào Việt Nam”.
Trước ám ảnh Covid-19 đang bủa vây, biện pháp 5K cần được chú trọng hơn. Theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, hành khách phải thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế trước khi lên máy bay. Không chỉ các sân bay, tại ga tàu hỏa và bến xe khách đều đang duy trì hoạt động khai báo y tế dành cho khách hàng. Cẩn trọng và ý thức cao về dịch bệnh là điều mỗi người cần tự nhắc nhở mình. Mặt khác, không thể vì sự cẩu thả của vài cá nhân mà gây họa cho cả nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, nêu quan điểm: “Chúng ta vận động nhân dân phát hiện người nước ngoài về, báo ngay cho cơ quan chức năng để tổ chức cách ly. Trường hợp người nhập cảnh trái phép nhưng người nhà chủ động khai báo, coi đó là tình tiết giảm nhẹ, nhưng dứt khoát phải xử lý. Ai cố tình vi phạm phạt nặng, nhất là những người trốn cách ly làm lây nhiễm ra cộng đồng”.