Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn đạt mức tăng trưởng 4,2%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, tổng lượng TPDN phát hành 155.306 tỷ đồng (số liệu không bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm do HNX không công bố).
Trong đó các ngân hàng thương mại vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất với tổng lượng phát hành hơn 75.936 tỷ đồng (chiếm 49%), đứng sau là các DN bất động sản với 47.372 tỷ đồng (chiếm 26,4%), còn lại là các công ty phát triển hạ tầng, công ty chứng khoán và các DN khác. Tính toàn thị trường TPDN trong 9 tháng 2019, lãi suất bình quân là 8,4%/năm và kỳ hạn bình quân là 3,68 năm, trong đó lãi suất và kỳ hạn bình quân của nhóm ngân hàng là 6,82%/năm và 3,82 năm, nhóm bất động sản bình quân là 10,17%/năm và 3,42 năm (cá biệt một số DN bất động sản nâng lãi suất lên 14-15%).
Theo Báo cáo Giám sát trái phiếu châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực Đông Á mới nổi (bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), cho thấy mức tăng trưởng đều đặn trong quý III-2019, bất chấp tình trạng bất ổn thương mại vẫn còn dai dẳng và sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Tổng giá trị trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành trên thị trường Đông Á mới nổi đạt 15.200 tỷ USD vào cuối tháng 9-2019, cao hơn 3,1% so với thời điểm cuối tháng 6-2019. Trong đó tổng số trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ đang lưu hành trị giá 9.400 tỷ USD, chiếm 61,8% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành, trong khi tổng giá trị TPDN là 5.800 tỷ USD.
Theo một báo cáo từ Baker McKenzie và Oxford Economics, từ nay đến năm 2021, Việt Nam sẽ trụ vững ở vị trí thị trường IPO số 1 khu vực, theo sau là Singapore và Thái Lan. Thực tế cho thấy, dù thị trường chứng khoán Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực của diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung giảm, nhưng vẫn nằm trong nhóm các thị trường mới nổi có khả năng thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài do kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán.
Theo Bảng xếp hạng phát triển tài chính do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 8-10-2019 (dựa trên khoảng 120 tiêu chí, từ mức độ ổn định tới quy mô của các thị trường vốn), với điểm số 3/7 Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 45 trong xếp hạng chung. So với năm 2018, Việt Nam vẫn lên 4 hạng từ vị trí thứ 49 của năm ngoái, nhưng điểm số đã giảm 0,03 điểm (các nước khác cũng có điểm số giảm mạnh).
Như vậy, sự tăng trưởng mạnh mẽ cũng đồng nghĩa với việc thị trường đòi hỏi nhu cầu phải có một cơ chế phòng ngừa rủi ro hoạt động hiệu quả, và mạng lưới nhà đầu tư đa dạng cho cả trái phiếu chính phủ và TPDN, trong đó cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc ngân hàng thương mại mua TPDN bất động sản. Đặc biệt, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, giám sát tài chính như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia…
Ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, trong đó có cơ chế giám sát hoạt động của ngân hàng thương mại thông qua các công cụ macro-prudential và cách thức quản lý dựa trên rủi ro, coi trọng bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa hệ thống tín dụng và thị trường vốn.