Phương án tăng vốn bằng mọi cách

(ĐTTCO) - Mặc dù thời hạn áp dụng Basel 2 đã được lùi lại đến năm 2020, nhưng áp lực tăng vốn điều lệ vẫn đang thường trực đối với các NHTM. 
Phương án tăng vốn bằng mọi cách
Bởi tăng vốn không chỉ đáp ứng các chuẩn mực khắt khe của Basel 2, mà còn để cho vay khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Chính phủ lên tới 21% trong năm 2017. Do vậy việc tăng vốn của các NH ráo riết bằng mọi cách.
Mỗi NH mỗi cách
 Hệ số CAR của các TCTD sụt giảm là do tăng trưởng tín dụng tăng nhanh hơn tốc độ tăng vốn chủ sở hữu, vốn tự có. Những tháng cuối năm 2017, áp lực tăng tín dụng càng lớn hơn khi phải phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 21%, nếu vốn điều lệ và vốn tự có không tăng kịp, sẽ kéo CAR sụt giảm nhanh hơn.
Hội đồng quản trị (HĐQT) LienVietPostBank vừa trình cổ đông xem xét thông qua phương thức phân phối chi tiết trái phiếu chuyển đổi năm 2017, sau khi xin ý kiến và chốt danh sách cổ đông trong tháng 9 vừa qua.
Theo đó, NH này sẽ phát hành 20 triệu trái phiếu chuyển đổi với giá trị 2.000 tỷ đồng. Trong đó cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách cổ đông đã chốt theo thông báo của HĐQT sẽ được ưu tiên phát hành tối đa 10 triệu trái phiếu.
Phát hành tối đa 5% số lượng cổ phần NH đang lưu hành tại thời điểm phát hành trái phiếu (khoảng 3,5 triệu trái phiếu chuyển đổi) cho cán bộ nhân viên NH bao gồm HĐQT, Ban kiểm soát và cán bộ nhân viên. NH sẽ chào bán cho các nhà đầu tư khác số lượng trái phiếu chuyển đổi còn lại trong tổng số lượng trái phiếu chuyển đổi dự kiến phát hành. 
Techcombank mới đây đã thông báo về việc chào bán 70 triệu cổ phiếu đợt 1 với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, và chốt danh sách phân bổ quyền mua cổ phiếu vào ngày 10-10. Tổng khối lượng huy động dự kiến sau đợt phát hành cổ phiếu này là 2.100 tỷ đồng. Theo Techcombank, đợt chào bán này được thực hiện nhằm tăng vốn điều lệ, tăng năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh, đáp ứng các chỉ tiêu về an toàn trong hoạt động NH.
HĐQT Techcombank dự kiến trong năm 2017 và/hoặc 6 tháng đầu năm 2018 sẽ tiến hành chào bán cổ phiếu đợt 2 với 430 triệu cổ phiếu, giá chào bán được xác định trên nguyên tắc xác định giá không thấp hơn mệnh giá đã được ĐHCĐ năm 2017 thông qua, HĐQT quyết định cụ thể trên cơ sở của kết quả chào bán đợt 1 và tình hình thực tế của thị trường.

VPBank sau khi niêm yết cũng đã tiến hành kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành riêng lẻ hơn 164 triệu cổ phần. Với giá bán 39.000 đồng/cổ phiếu, NH này đã thu về hơn 6.423 tỷ đồng, trong đó khoảng 1.647 tỷ đồng được bổ sung vào vốn điều lệ để đạt mức 15.706 tỷ đồng theo phê duyệt của NHNN. Đây là lần tăng vốn điều lệ thứ 3 của VPBank tính từ đầu năm đến nay.
MB cũng đã được NHNN chấp nhận tăng vốn điều lệ từ mức 17.127 tỷ đồng lên 18.155 tỷ đồng, phương án tăng vốn là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu ESOP (quyền sở hữu cổ phần cho người lao động) đã được thông qua tại ĐHCĐ 2017. Trong tháng 9, SCB cũng đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để chào bán 170,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên. Sau khi phát hành số cổ phiếu này, vốn điều lệ của SCB sẽ tăng từ 14.295 tỷ đồng lên gần 16.000 tỷ đồng.

Để đáp ứng yêu cầu
Tại Thông tư 41/2016 của NHNN, kỳ hạn tuân thủ các quy định của Hiệp ước Basel 2 lùi đến năm 2020 cho tất cả các NH, kể cả những NH nằm ngoài nhóm 10 NH triển khai thí điểm. Thông tư 41 cũng quy định các NH không có công ty con phải thường xuyên duy trì chỉ số an toàn (CAR) xác định trên cơ sở báo cáo tài chính của NH tối thiểu 8%. NH có công ty con cũng duy trì hệ số CAR xác định trên cơ sở báo cáo tài chính của NH tối thiểu 8%, nhưng CAR hợp nhất xác định trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất của NH tối thiểu 8%.
Tuy nhiên, dù tỷ lệ này thấp hơn mức 9% hiện hành, nhưng các thông số đầu vào yêu cầu tính toán vốn để tính CAR được quy định chi tiết và khắt khe hơn, xem xét cả các yếu tố rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Hơn nữa, các NH cần đảm bảo phải có dữ liệu đầy đủ và hệ thống công nghệ thông tin phù hợp để tính tỷ lệ an toàn vốn. 
Để đáp ứng được yêu cầu của Thông tư 41, các NH cần thêm nguồn đầu tư đáng kể để xây dựng các mô hình rủi ro, cũng như nguồn nhân lực và hệ thống công nghệ thông tin.
Do đó, dù lùi thời hạn tuân thủ Hiệp ước vốn Basel 2 so với dự kiến trước đó, nhưng áp lực tăng vốn của các NHTM cũng lớn hơn. Theo số liệu thống kê của NHNN, CAR của hệ thống các TCTD đã có xu hướng giảm liên tục. Cuối năm 2016, CAR của toàn hệ thống (loại bỏ các TCTD có vốn tự có âm) là 12,84%, cuối tháng 5-2017 đã giảm xuống 12,66% và đến cuối tháng 6-2017 xuống 12,55%. 
Năm 2016, phương án tăng vốn cấp 1 của nhiều NH không thực hiện vì nhiều lý do, vì vậy hàng loạt NH đã phát hành trái phiếu dài hạn để bổ sung vốn cấp 2. Nhưng theo một số thống kê, trong tổng khối lượng trái phiếu dài hạn các NH phát hành có gần 50% được mua bởi các NH khác. Tuy nhiên, theo quy định Thông tư 41/2016 của NHNN, từ năm 2020, khoản vốn đầu tư vào trái phiếu đủ điều kiện tính vốn cấp 2 của các NH khác sẽ bị loại khi tính vốn tự có của NH.
Theo đó, nhiều dự báo cho rằng, các NH sẽ giảm mua trái phiếu lẫn nhau và việc tăng vốn bằng phương pháp này cũng sẽ gặp nhiều hạn chế. Hiện nay, ngoài việc tăng vốn bằng việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức, phương án gọi vốn từ nhà đầu tư nội địa ngày càng hạn chế, do doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn ngoài ngành, còn các doanh nghiệp tư nhân cũng đang phải vật lộn với không ít khó khăn trong kinh doanh.
Một chuyên gia tài chính nhận định, thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ (cung ứng vốn ngắn hạn) và thị trường vốn (cung ứng vốn dài hạn). Muốn tăng vốn điều lệ, các NH phải dựa vào thị trường vốn thay vì thị trường tiền tệ, nhưng thị trường vốn lại khá èo uột trong khi hàng loạt NH đều muốn tăng vốn gây ra một áp lực rất lớn. Trong bối cảnh như vậy, đối tác chiến lược nước ngoài tiếp tục là điểm kỳ vọng lớn của các NH trong nước.
Gần đây, nhiều NH cho thấy đang linh hoạt hút vốn ngoại bằng các phương thức mới. Chẳng hạn như VPBank, nhận khoản vay 57 triệu USD từ IFC, kèm theo là quyền được chuyển đổi dư nợ gốc thành cổ phần phổ thông của VPBank cho IFC. Khi đó, IFC sẽ trở thành cổ đông của VPBank với tỷ lệ sở hữu tối đa 5%. Trong giai đoạn thực hiện niêm yết vừa qua, khối ngoại cũng đã gom mạnh cổ phiếu của NH này chiếm đến 25% vốn điều lệ. Theo đó, room khối ngoại tại VPBank đã đầy mức 30%. 

Các tin khác