Nói đến PNJ (CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận) nhiều người biết ngay đó là thương hiệu vàng trang sức cao cấp, đặc biệt là giới đầu tư biết đến PNJ được niêm yết trên thị trường chứng khoán và rất thành công. Nhân sự kiện 25 năm hình thành và phát triển thương hiệu PNJ (28-4-1988 – 28-4-2013), ĐTTC có cuộc trò chuyện với bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ.
PHÓNG VIÊN: - Thưa bà, trong bối cảnh kinh tế chung còn nhiều khó khăn, việc mua sắm mà đặc biệt là loại hàng trang sức sẽ giảm. Tuy nhiên, doanh thu từ vàng nữ trang trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 của PNJ lại tăng. Bà có thể chia sẻ về điều này?
Bà CAO THỊ NGỌC DUNG: - Một vài năm gần đây khi tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước có những biến động thì sức mua bị sụt giảm đáng kể. Riêng với vàng nữ trang, theo báo cáo thống kê của Hội đồng vàng Thế giới, trong năm 2012 thế giới giảm 3%, Việt Nam giảm 12%.
Tuy nhiên, mảng nữ trang của PNJ lại tăng 3%. Điều này cho thấy những nỗ lực rất lớn của chúng tôi. Song dù doanh thu mảng nữ trang tăng nhưng doanh thu chung của công ty trong năm 2012 lại giảm. Đây cũng là năm đầu tiên trong 25 năm hoạt động PNJ không hoàn thành chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận. Một phần lý do đến từ việc sụt giảm của kinh doanh vàng miếng.
Ý thức được những khó khăn này, chúng tôi đã phải thực hiện nhiều chiến lược nhằm đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng hơn. Chẳng hạn, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, người tiêu dùng nhất là tại một số tỉnh, thành vẫn có thói quen mua vàng tích lũy thông qua vàng nữ trang.
Chính vì thế chúng tôi đưa ra những sản phẩm thuần chất vàng nhiều hơn, tăng cường những sản phẩm đơn giản có giá thành vừa phải. Đặc biệt trong năm qua, công ty vẫn đẩy mạnh mở rộng mạng lưới về những vùng sâu hơn như: Đà Lạt, Bình Dương, Kiên Giang và củng cố thị trường miền Bắc.
- Vậy kế hoạch phát triển kinh doanh trong năm 2013 của PNJ?
Với mong muốn khách hàng thực sự hài lòng khi đến với PNJ, chúng tôi đang xây dựng bộ cẩm nang bán hàng, xây dựng hành vi từ người bảo vệ đến nhân viên bán hàng. Làm sao để ở các khu vực khác nhau nhưng cung cách phục vụ phải giống nhau. Đây là một phần trong dự án tái cấu trúc PNJ đang thực hiện, theo quy chuẩn quản lý quốc tế. |
- Năm 2013 sức mua cũng chưa cải thiện nhiều, song chúng tôi vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng 8% và lợi nhuận cố gắng để không giảm so với năm 2012. Tuy nhiên, qua tình hình của quý I - 2013 cho thấy khó đạt được kế hoạch tăng trưởng này.
Nhưng PNJ vẫn có niềm tin vào độ trễ của chính sách (năm 2012 Chính phủ có nhiều chính sách kích cầu) nên vẫn kỳ vọng vào 3 quý còn lại của năm.
Cũng phải nói thêm rằng, nếu trong năm 2011 PNJ có lợi nhuận bất thường từ kinh doanh vàng miếng và năm 2012 có lợi nhuận từ việc thoái vốn, thì năm 2013 chúng tôi sẽ phải đẩy mạnh kinh doanh vàng trang sức - ngành cốt lõi của mình, bằng nhiều cách để đảm bảo tăng lợi nhuận vàng trang sức lên 30%. Dự án tái cấu trúc cũng đang giúp chúng tôi nhìn ra nhiều vấn đề như quản lý thế nào để hiệu quả nhất.
- Việc đưa xí nghiệp nữ trang có công suất 4 triệu sản phẩm/năm đi vào hoạt động hẳn là một trong những chiến lược nhằm đẩy mạnh ngành kinh doanh cốt lõi của PNJ?
- Đúng vậy. Việc sản xuất trước đây làm ảnh hưởng đến sản lượng và quản lý của PNJ. Thời gian làm ra một sản phẩm lâu hơn, hao hụt nhiều hơn. Tuy nhiên, khi chuyển về xí nghiệp mới chúng tôi có quy trình hoàn toàn khác, công nghiệp hóa nhiều hơn, giúp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.
Đặc biệt sản lượng làm ra sẽ nhiều hơn. Ngày trước chúng tôi không dám đẩy mạnh bán buôn hay đẩy mạnh xuất khẩu do sản lượng không đủ, đến hôm nay vẫn chưa đủ vì xí nghiệp mới đi vào hoạt động cần sắp xếp, đào tạo thêm nhân lực tay nghề cao. Song trong khoảng 1-2 năm tới, khi sản lượng tăng cao chúng tôi sẽ tập trung khai thác triệt để đầu ra, bao gồm cả thị trường bán lẻ, bán buôn và xuất khẩu.
![]() |
Thành công của PNJ chính là văn hóa và nguồn nhân lực |
- Nhưng PNJ là đơn vị tiên phong trong việc xuất khẩu trang sức, vì sao đến nay vẫn chưa phát triển mạnh mảng này?
- Thứ nhất phải nói đến mâu thuẫn về giá nguyên liệu. Thời gian gần đây giá vàng trong nước và thế giới cách nhau quá xa mà khi tính giá với khách hàng chúng tôi phải tính theo giá thế giới, nên mấy tháng nay chúng tôi đang phải “gồng mình” để giữ khách.
Thứ hai, tất cả các nguyên phụ liệu khác cũng đều phải nhập khẩu nên giá bán bình quân của mình chưa cạnh tranh được với sản phẩm đến từ Thái Lan hay Trung Quốc. Hiện PNJ chỉ xuất khẩu những sản phẩm có độ tinh xảo, có hàm lượng thủ công cao, bởi nếu làm công nghiệp không cạnh tranh nổi, vì thua các nước lân cận về năng suất.
Hiện chúng tôi đang trong quá trình cải tiến hoạt động sản xuất theo hướng công nghiệp hóa tối đa và đạt chuẩn quốc tế ở mức độ cao, đồng thời tăng năng suất và giảm giá thành sản phẩm để đủ sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Doanh thu từ xuất khẩu hiện đang chiếm 10% trong tổng doanh thu, nhưng trong 3 năm nữa có thể sẽ gấp 3-4 lần. Ngoài thị trường Hoa Kỳ, Đức, chúng tôi đang tiếp xúc với khách hàng đến từ Nhật Bản, đây là thị trường rất khó tính. Trong ngành nữ trang thế giới, nếu công ty nào xuất được cho Nhật Bản xem như thành công trong xuất khẩu.
- Hiện PNJ không thuộc nhóm cổ phiếu có biến động mạnh hay đầu cơ. Theo bà yếu tố nào tạo nên sức hấp dẫn cổ phiếu PNJ?
- Cổ phiếu của PNJ trên thị trường hiện nay không phải là cổ phiếu tạo sóng, nên lúc nào cũng giữ ổn định, một phần vì cơ cấu cổ đông chặt chẽ. Những nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu PNJ thường có tầm nhìn dài hạn, vì có uy tín nhất định trên thị trường.
Thị trường vàng trang sức là thị trường có sức hấp dẫn cao. Điều này có thể thấy ngay trong bối cảnh khó khăn, doanh thu trang sức PNJ vẫn tăng 3%. Chính vì thế khi nền kinh tế phát triển ổn định trở lại, khi sức mua mạnh hơn chắc chắn chúng tôi sẽ có cơ hội đạt mức tăng trưởng cao.
- Được biết PNJ rất chú trọng đến công tác IR (quan hệ nhà đầu tư)?
- Bộ phận này của PNJ mới thành lập trong năm 2012 và hiện cũng còn khá ít nhân sự. Tuy thế đã làm được một việc rất quan trọng là tiếp xúc và giúp nhà đầu tư hiểu quy luật quản trị của ngành vàng. Năm qua cũng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu này song họ chưa thực sự hiểu về ngành.
Đối với ngành vàng bạc người ta không quan tâm đến doanh thu nhiều hay ít, mà quan tâm đến việc doanh thu mang lại lợi nhuận như thế nào. Vậy nên khi nhìn vào biểu đồ doanh thu của PNJ có sự trồi sụt, nhưng khi nhìn qua biểu đồ lợi nhuận thì lại tăng khá đều.
- Vậy đâu là bí quyết để 25 năm hình thành và phát triển PNJ nhận được rất nhiều danh hiệu trong và ngoài nước?
- Bí quyết cũng nằm trong câu slogan “Niềm tin và phong cách”. Để có thành công trong suốt 25 năm qua, PNJ luôn biết tôn vinh từng giá trị, trước hết là niềm tin từ khách hàng, thị trường, trong nội bộ… Ngoài ra, văn hóa và nguồn nhân lực là niềm tự hào của PNJ.
Nếu hỏi ở PNJ cái gì là giá trị nhất, có lẽ đó chính là văn hóa và con người. Bởi tiền muốn có thể tìm được nhưng giá trị văn hóa, con người không dễ tìm kiếm. Trong quá trình hoạt động, từng 5 năm một chúng tôi luôn nhìn lại mình xem hệ thống quản trị, con người và giá trị văn hóa, chiến lược kinh doanh của mình có còn phù hợp với bối cảnh thị trường và tình hình phát triển của xã hội để có những bước đi thích hợp.
Dù đạt được nhiều giải thưởng nhưng chúng tôi không tự mãn mà luôn sáng tạo không ngừng, luôn đặt cho mình những mục tiêu cao hơn. Đó là lý do chúng tôi thuê các đơn vị tư vấn nước ngoài với mục đích để họ có thể đánh giá mình một cách khách quan, hỗ trợ chúng tôi trên con đường trở thành một trong những nhà sản xuất bán lẻ trang sức hàng đầu châu Á.
- Xin cảm ơn bà.