Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tung ra gói nới lỏng định lượng tiếp theo (QE3) với hy vọng vực dậy nền kinh tế đang bế tắc. Vậy thì các gói QE là gì và chúng có tác động như thế nào?
QE là gì?
Câu trả lời khá đơn giản: QE là 1 công cụ tiền tệ được các NHTW sử dụng để kích thích nền kinh tế. Đây là 1 công cụ mới, khác với các công cụ thông thường và hiện nay vẫn gây nhiều tranh cãi.
Thông thường, khi nền kinh tế lâm vào suy thoái hoặc tăng trưởng rất chậm chạp trong 1 thời gian quá dài, Fed sẽ giảm lãi suất ngắn hạn để có thể đẩy mạnh cho vay và chi tiêu. Tuy nhiên, hiện nay, FED đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp nhất có thể nhưng nền kinh tế vẫn chật vật. Lãi suất đã ở mức gần 0 và Fed không thể đi xa hơn được nữa.
Bởi vậy, thay vào đó, NHTW có thể dùng đến các gói QE. FED có thể mua vào các tài sản dài hạn như trái phiếu kho bạc hoặc các chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) từ các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác.
Lượng tiền này được bơm vào nền kinh tế và sẽ khiến lãi suất dài hạn giảm xuống trong tương lai. Khi lãi suất dài hạn giảm xuống, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiêu tiền. Đó là những gì diễn ra theo lý thuyết.
FED đã có thực hiện QE bao giờ chưa?
FED đã 2 lần tung ra QE. Lần thứ nhất, vào cuối tháng 11-2008, sau cú sốc khủng hoảng tài chính, FED bắt đầu mua vào các MBS và trái phiếu kho bạc để có thể thúc đẩy nền kinh tế.
Đến thời gian này, FED cho rằng lượng tiền bơm vào đã đủ và ngừng hành động. Tuy nhiên, khi nền kinh tế lại bắt đầu yếu đi, Chủ tịch FED Ben Bernanke khởi động lại chương trình vào tháng 8-2010, tiếp tục mua vào 600 tỷ USD tài sản. Gói kích thích này được gọi là QE2.
QE1 và QE2 có thực sự thúc đẩy kinh tế Hoa Kỳ hay không?
Các nhà kinh tế đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu xung quanh câu hỏi này. QE1 đã tỏ ra hữu hiệu khi ngăn chặn nền kinh tế rơi vào 1 cuộc suy thoái sâu rộng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng điều này xảy ra bởi mọi người nhận ra rằng FED sẽ làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn giảm phát.
QE1 là “gói kích thích niềm tin” khổng lồ. Nền kinh tế không còn lao dốc và lạm phát dần dần tăng lên. Tuy nhiên, hiệu quả giảm dần theo thời gian. Các chuyên gia bắt đầu tranh cãi về hiệu quả của gói QE2.
Về lý thuyết, các gói QE sẽ có 2 tác dụng. Thứ nhất, chúng bơm tiền vào các ngân hàng và cho phép các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Thứ 2, QE giúp giảm lãi suất. Ví dụ, nếu như FED mua vào lượng lớn MBS, chi phí khi vay tiền để mua 1 ngôi nhà sẽ thấp hơn rất nhiều.
Trên thực tế, lãi suất cũng đã giảm xuống.
Tuy nhiên, thật khó để có thể tính toán chính xác liệu điều này có thực sự thúc đẩy nền kinh tế hay không. Cuối cùng, lãi suất thế chấp thấp chỉ có thể hiệu quả nếu như các ngân hàng đã cảm thấy sợ bong bóng nhà đất và giám sát các khoản vay 1 cách chặt chẽ.
QE3 khác gì so với QE1 và QE2 ?
Cuối cùng thì, sau nhiều tháng chờ đợi cùng với rất nhiều đồn đoán, Fed đã tung ra QE3. Đầu tiên, FED cam kết sẽ giữ lãi suất ngắn hạn ở mức gần 0 ít nhất là cho đến giữa năm 2015. Thứ hai, Fed sẽ mua vào 40 tỷ USD tài sản mỗi tháng.
Không giống như QE1 và QE2, vòng nới lỏng định lượng mới này sẽ là không giới hạn. Đây là 1 sự thay đổi quan trọng.
FED tuyên bố nếu như triển vọng của thị trường lao động không được cải thiện 1 cách bền vững, Ủy ban thị trường mở (FOMC) sẽ tiếp tục mua vào các MBS và thực hiện thêm các biện pháp phù hợp cho đến khi đạt được mục tiêu.
Hơn nữa, FED còn lưu ý rằng chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được thực hiện 1 thời gian nữa sau khi nền kinh tế đã phục hồi mạnh.
Như vậy, chương trình này đã chuyển đổi từ 1 chương trình mua trái phiếu thành 1 lời cam kết cho những hành động của Fed trong tương lai. Fed không mua vào 1 lượng tài sản cố định và mong đợi sau đó nền kinh tế sẽ tiến lên. Fed tuyên bố sẽ tiếp tục mua cho đến khi nền kinh tế tốt lên.
Liệu QE3 có hiệu quả hơn?
Hiệu quả của gói QE3 luôn là đề tài gây tranh cãi từ nhiều tháng nay. Liệu QE3 có thực sự kích thích nền kinh tế và giúp Hoa Kỳ thoát khỏi tình trạng trì trệ như hiện nay vẫn là 1 câu hỏi chưa có lời giải đáp chính xác.
Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng FED không nên thực hiện QE3 bởi gói nới lỏng định lượng mới sẽ không hiệu quả và còn gây ra những rủi ro cho nền kinh tế. Thực tế là, hiệu quả của gói QE2 đã không được như mong đợi.
Một số ý kiến khác cho rằng các gói QE trước được đưa ra khi các mối đe doạ về khả năng suy thoái hoặc giảm phát xuất hiện. Trong khi đó, hiện nay, nền kinh tế chỉ đang phục hồi chậm chạp. Thêm vào đó, 1 vài dấu hiệu phục hồi cũng đang xuất hiện trên thị trường nhà đất.
Tuy nhiên, dù sao thì với những thay đổi trong phương thức hoạt động, QE3 vẫn có được những tác dụng nhất định. Không giống như 2 gói QE trước đây, Fed có thể tuyên bố “tiếp tục mua tài sản và sẽ không dừng lại cho đến khi lạm phát chạm mốc 3% hoặc tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 7%” thay vì nói “sẽ mau vào 600 tỷ USD và hy vọng điều đó sẽ giúp ích”.
Có thể, QE3 sẽ làm dấy lên hi vọng và củng cố niềm tin vào tương lai của nền kinh tế, tương tự như những gì FED đã làm trong những ngày đen tối năm 2008 và cuối cùng thì nền kinh tế sẽ tăng tốc.