Theo đó, chỉ tính riêng 19 cuộc thanh tra tại các DNNN trong thời kỳ 2011-2016, tập trung tại các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phát hiện số tiền sai phạm lên tới gần 346.000 tỷ đồng, hơn 48 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng), gần 304.000EUR (khoảng 8,1 tỷ đồng). Trong số này có 16 vụ với 17 đối tượng được thanh tra chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý.
TTCP cũng kiến nghị thu hồi về ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng, gần 32.000USD; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý số tiền sai phạm trên. Đã có 24 đối tượng trong 7 vụ việc bị khởi tố. Ngoài ra, 145 cá nhân và 43 tổ chức cũng bị xử lý hành chính.
Cũng trong thời gian này, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại 174 lượt TĐ, TCT nhà nước với 1.434 lượt DN; kiểm toán kết quả tư vấn, định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa của 17 đơn vị; kiểm toán 9 chuyên đề.
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước xấp xỉ 17.300 tỷ đồng; kiến nghị điều chỉnh tăng giá trị thực tế phần vốn nhà nước trên 22.350 tỷ đồng; chuyển 9 hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra.
Thực trạng trên cho thấy, những “quả đấm thép” được ví cho các TĐ, TCT một thời đang ngày càng bộc lộ quá nhiều yếu kém trong việc quản lý vốn, sử dụng tài sản, xây dựng chiến lược kinh doanh và cả sử dụng đầu tư, cơ sở vật chất... Thực ra vẫn có một số DNNN hoạt động tương đối hiệu quả, nhưng phần lớn DN lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Nguyên nhân thua lỗ của các DNNN có lý do khách quan, nhưng lý do chủ quan nhiều hơn, như năng lực yếu kém của những người lãnh đạo, kể cả tình trạng quản lý không tốt dẫn đến thất thoát, tham nhũng như một số báo cáo kiểm toán, thanh tra đã chỉ ra. Nguyên nhân nữa cũng do chúng ta xác định chưa rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của DNNN, nhiều DNNN được sử dụng như một công cụ điều tiết nền kinh tế. Cơ chế quản lý điều hành với DNNN cũng tương đối phức tạp, những người đại diện vốn không được thực hiện quyền hành như một người sở hữu đích thực, dẫn đến nhiều tầng nấc, không nhanh nhạy trước những diễn biến của thị trường.
Điều đáng báo động là hầu như ông lớn nào cũng có vi phạm về kinh tế như sai về thủ tục đầu tư, mua sắm tài sản không đúng quy định; sai thẩm quyền; sai đối tượng; hạch toán không đúng dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh không đúng bản chất. Điều này dẫn đến một thực tế nhiều dự án, công trình cứ dính dáng đến Nhà nước bao giờ suất đầu tư cũng cao hơn, hiệu quả cũng thấp hơn so với khu vực ngoài nhà nước thực hiện.
Tất cả những công trình, dự án, doanh nghiệp này đã và đang làm hao mòn tài sản quốc gia, góp phần làm nghèo đất nước, nhưng không có ai phải chịu trách nhiệm. Chừng nào chưa quy được trách nhiệm cụ thể cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trước thực trạng tài sản quốc gia bị hao mòn, hiệu quả đầu tư vốn và tài sản nhà nước vẫn là vấn đề nhức nhối.
Tháng 4 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là TĐ,TCT nhà nước giai đoạn 2016-2020”. Mục tiêu của đề án nhằm thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên.
Đề án cũng tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của DNNN phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường… Trong nhiều văn kiện của Đảng cũng xác định, DNNN phải không ngừng đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế.
Định hướng là vậy, nhưng trong thực tế, khối DNNN vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Không ít DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đắp chiếu, làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…
Thực trạng này đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN một cách thực chất, hiệu quả hơn nữa. Sự đổ vỡ của Vinashin, Vinalines cách đây vài năm, đã gióng lên hồi chuông phải xác định lại chức năng của DNNN theo hướng Nhà nước chỉ cần tập trung để xây dựng trụ cột mạnh cho nền kinh tế, còn cái nào xã hội làm được nên để cho xã hội làm, DNNN không ôm đồm nữa.