Quá rủi ro đầu tư cho vay qua mạng

(ĐTTCO) - Trong số báo trước, ĐTTC đã có bài viết “Vay tiền như đi Grab, Uber”, phân tích về rủi ro của người vay khi tham gia vay tiền trên các ứng dụng vay mượn qua mạng không cần gặp mặt. 

Song bên cạnh đó, rủi ro của nhà đầu tư tham gia cho vay thông qua các ứng dụng này cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Bởi hiện nay hành lang pháp lý đối với các “công ty cho vay ngang hàng” (P2P) qua mạng vẫn chưa có, trường hợp không đòi được tiền cho vay từ công ty, người cho vay cũng phải tự chịu trách nhiệm.

Những lời hứa suông
Hiện nay, ngoài việc giới thiệu ứng dụng cùng với quy trình vay-cho vay, thông tin về các công ty kết nối tài chính cho vay tiền qua mạng rất ít. Trong các công ty hoạt động dưới hình thức P2P hiện chỉ có Tima đã tham gia thị trường tài chính công nghệ từ năm 2015, với vai trò là nhà cung cấp P2P đầu tiên tại Việt Nam với số vốn đầu tư ban đầu 150 tỷ đồng, và từ tháng 6-2016 bắt đầu triển khai dịch vụ tư vấn và kết nối tài chính, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính này.
Còn trên website vaymuon.vn chỉ có dòng tự giới thiệu: “Vaymuon không phải NH, không phải công ty tài chính. Vaymuon sử dụng công nghệ để kết nối nhu cầu của người vay và nhà đầu tư bỏ tiền bằng cách cung cấp cho người vay mức giá tốt nhất, nhà đầu tư lợi nhuận cao nhất và được đảm bảo khoản vay”. Zoti-một nhà kết nối khác cũng giới thiệu ngắn gọn là ứng dụng kết nối tài chính giữa người cho vay và người vay. 
 Hiện NHNN chưa cấp phép để hình thức cho vay P2P hoạt động và những sàn giao dịch đều hứa suông, không có sự đảm bảo bằng hợp đồng hay cam kết. Do đó, ở góc độ đầu tư, nếu có rủi ro xảy ra người cho vay sẽ tự chịu.
TS. Bùi Quang Tín
Thực ra đối với người vay khi tiếp cận các ứng dụng này chỉ quan tâm lãi suất, thời hạn vay và cách thức trả nợ, các thông tin khác về công ty không cần phải chú trọng. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư, cung cấp một khoản tiền cho vay qua mạng không gặp mặt, chỉ thông qua một ứng dụng trên điện thoại không kèm theo thông tin nào về công ty rõ ràng rất rủi ro.
Vậy nhưng, theo tìm hiểu của ĐTTC, hiện nay cũng đang có khá nhiều khách hàng có tiền nhàn rỗi vài triệu đồng rất hào hứng tham gia vào các ứng dụng này để cho vay, bởi vì lãi suất cao hơn so với lãi suất NH, tối thiểu ở mức 1,5%/tháng và có nơi có thể cho vay với lãi suất 9%/tháng.
Để tìm hiểu về cách thức cho vay trên vaymuon.vn, phóng viên ĐTTC với tư cách có tiền muốn cho vay đã cài đặt ứng dụng nhà đầu tư và được yêu cầu phải điền tất cả thông tin liên quan vào hồ sơ bao gồm họ tên, ngày sinh, giới tính, nghề nghiệp, địa chỉ, chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, sau một ngày hồ sơ nhà đầu tư vẫn chưa được duyệt.
Trao đổi qua tin nhắn với nhân viên của vaymuon.vn, chúng tôi được thông báo: “Hiện số lượng nhà đầu tư của vaymuon đang rất nhiều, nên vaymuon đang tạm ngưng duyệt nhà đầu tư. Sau khi vaymuon hỗ trợ lại sẽ thông tin cho khách hàng nên khách hàng vui lòng chờ”. Một tuần sau đó, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin mới từ vaymuon, trong khi tất cả thông tin cá nhân đã nằm trong tay nhà cung cấp ứng dụng. 
Còn tại Zoti, tương tự chúng tôi được nhân viên tư vấn cho biết, muốn cho vay có thể chọn 1 trong 2 hình thức cho vay. Một là tự cho vay và tự quản lý rủi ro để được hưởng lãi suất cao. Hai là ủy thác khoản tiền đó cho Zoti, Zoti sử dụng khoản tiền ủy thác để lọc khách hàng và cho vay khoản tiền đó và lãi suất được nhận 1,2%/tháng. Khi đó, nếu người vay không trả nợ, Zoti sẽ trả lại cho người cho vay. Song khi cài đặt ứng dụng lại không có mục ủy thác tiền cho Zoti. Trong thông báo về vấn đề đảm bảo khoản vay trên ứng dụng ghi rõ, đây chỉ là ứng dụng kết nối tài chính, không đảm bảo cho các khoản vay, mọi giao dịch 2 bên tự thỏa thuận.
Quá rủi ro đầu tư cho vay qua mạng ảnh 1
 Chưa có cơ sở pháp lý 
Theo TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, các sàn giao dịch cho vay qua mạng hỗ trợ cho người có tiền và người không có tiền tiếp cận lẫn nhau với thời gian thẩm định và cho vay nhanh, chi phí thấp. Người vay cần số tiền ít như vài trăm ngàn hoặc vài triệu đồng có thể giải quyết thông qua vay tín chấp từ các sàn này. Nếu vay ở NHTM số tiền vay phải nhiều và thẩm định rắc rối. Còn các công ty tài chính (CTTC) thẩm định nhanh nhưng lãi suất cho vay cao. Trong khi đó, lãi suất của một số công ty cho vay dưới hình thức P2P hiện nay có thể cạnh tranh với lãi suất NH, khách hàng nào rủi ro cao mới cộng thêm lãi suất. 
Ngoài ra, pháp lý của các công ty này vẫn chưa được xác định, các công ty cho vay P2P hiện nay hoạt động dưới hình thức tư vấn tài chính là chủ yếu. Nếu hoạt động tư vấn tài chính và chưa được NHNN cấp phép hoạt động huy động vốn và cho vay, các công ty này không được phép huy động và cho vay rộng rãi như các NH. Đặt trường hợp các công ty này là doanh nghiệp bình thường, không chịu sự điều chỉnh của NHNN, thực hiện tư vấn huy động vốn và cho vay dưới góc độ quan hệ dân sự, được điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng không đúng, vì hoạt động vay vốn của người dân và các công ty này không bình thường.
Các doanh nghiệp chỉ huy động vốn khi cần chứ không phải huy động mỗi ngày. Vốn huy động dùng để thực hiện các dự án kinh doanh, không phải để cho vay như một định chế tài chính trung gian, các công ty này cũng không thể xem là định chế tài chính trung gian. Bởi các định chế tài chính trung gian phải chịu sự điều chỉnh của cơ quan như NHNN, Ủy ban Chứng khoán nhà nước hoặc Bộ Tài chính. Trong khi đó, các công ty này lại chỉ chịu sự điều chỉnh của nơi cấp phép là Sở Kế hoạch-Đầu tư.

CTTC cũng thận trọng
Dù vậy, sự phát triển của các ứng dụng vay tiền qua mạng trong thời gian qua cũng phần nào có ảnh hưởng đến bước đi của các CTTC lớn. Điều này có thể nhìn thấy thông qua việc nhiều CTTC như Home Credit, FE Credit đều đã phát triển ứng dụng trên điện thoại di động.
Trong đó, ứng dụng trên điện thoại của Home Credit cũng cho thấy sự thay đổi lớn để thích nghi và cạnh tranh với công nghệ số đang bùng nổ trên thị trường tài chính, khi không chỉ hỗ trợ người vay quản lý khoản vay mà còn chấp nhận đăng ký vay và ký hợp đồng mới trực tuyến ngay trên ứng dụng. Ứng dụng này cũng đang dẫn đầu tại Việt Nam nếu tính theo tỷ lệ đánh giá và số lượng cài đặt với hơn 1,5 triệu người cài đặt. Còn FE Credit ngoài ứng dụng trên điện thoại còn triển khai kênh chăm sóc khách hàng trực tuyến trên nền tảng Zalo để tiếp cận và hỗ trợ khách hàng nhanh hơn.
Ông Dmitry Mosolov, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam, nhận định tốc độ tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đang rất cao, độ nóng vẫn còn khi có nhiều thành viên mới từ các tổ chức tài chính nước ngoài quy mô lớn đang dần thâm nhập vào thị trường bằng phương thức mua bán, sáp nhập hoặc liên doanh. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ tài chính (Fintech) cũng có khả năng biến đổi thị trường.
Thị trường đang chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của các công ty thương mại điện tử, cùng với những giải pháp thanh toán di động, hình thức P2P, một mô hình dịch vụ tín dụng mới kết nối trực tiếp người cho vay và người đi vay, xử lý toàn bộ quá trình cho vay thông qua các nền tảng trực tuyến, cũng đã xuất hiện. Phương thức này sẽ là một thử thách thú vị đối với các TCTD truyền thống. Sắp tới đây, các CTTC “lão làng” sẽ nỗ lực cao độ để thay đổi bản thân nhằm thích nghi với tình hình mới, còn những thành viên mới sẽ mang đến những điều thú vị cho thị trường. 

Các tin khác