Quá tải xét nghiệm shipper, cần nới thêm điều kiện?

(ĐTTCO)-Hai ngày liên tiếp, hàng ngàn shipper tại TP.HCM rơi vào tình cảnh vạ vật lúc tờ mờ sáng và xếp hàng dài tại các trạm y tế lưu động để xét nghiệm COVID-19. Tình trạng quá tải xuất hiện ở nhiều địa bàn tại TP.HCM như quận 4, 5, 12 và Tân Bình vào ngày 20-9.
Shipper lấy hàng trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận (TP.HCM) để giao cho khách vào sáng 20-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Shipper lấy hàng trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận (TP.HCM) để giao cho khách vào sáng 20-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Năng lực vận chuyển bị hạn chế

Hoàng An - shipper Ahamove - cho biết phải tranh thủ đến trạm y tế từ 4h xếp hàng, chờ 2 tiếng sau mới đến lượt. Nhu cầu khách hàng cao nhưng mỗi ngày chỉ giao khoảng 10 - 15 đơn liên quận là đuối sức. "Đường sá thông thoáng nhưng nhiều chốt chặn, giăng dây khắp lối, tài xế phải chạy lòng vòng mới tìm được nơi giao hàng tận đầu hẻm, gọi điện khách ra lấy khá tốn thời gian. Chúng tôi mong có nhiều trạm xét nghiệm hơn để bớt cực khổ" - Hoàng An nói.

Trong khi đó, nhiều người dân cho hay vẫn không thể đặt mua hàng. Lý giải việc bán lẻ qua kênh online hạn chế nhận đơn hàng, đại diện hệ thống Bách Hóa Xanh cho biết hiện nay đơn vị có 10 kho bán online nhưng phần lớn chỉ nằm ngoại thành, trong khi TP lại không cho nhân viên đơn vị đi liên quận, giao qua shipper phí đắt đỏ nên không thể đáp ứng đơn hàng online cho khách ở các quận trung tâm.

Do đó, ngoài việc xét lại khâu xét nghiệm, TP nên tạo điều kiện để nhân viên giao nhận các hệ thống bán lẻ được giao hàng liên quận.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-9, ông Trương Chí Thiện - giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM) - cho hay do gặp khó khăn trong khâu mua bán, giao hàng nên hiện nay lượng trứng được đơn vị bán ra giảm khoảng 30% so với trước ngày 15-9.

Nên nới thêm điều kiện xét nghiệm?

Ông Trương Chí Thiện nhấn mạnh việc tạo điều kiện cho shipper cũng sẽ "cởi trói" cho khâu bán lẻ khi hiện nay người dân gặp khó khăn trong việc mua hàng bởi lực lượng đi chợ hộ có dấu hiệu giảm mạnh, trong khi lực lượng giao hàng mỏng, phí giao đắt đỏ.

Với mức đăng ký hoạt động hàng chục ngàn shipper hiện nay nhưng vẫn quy định shipper phải xét nghiệm 2 ngày/lần có thể gây ùn ứ tại điểm xét nghiệm, nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, ông Thiện cho rằng có thể cho shipper xét nghiệm 3 - 4 ngày/lần.

Ông Nguyễn Ngọc An - tổng giám đốc Công ty Vissan (TP.HCM) - cho rằng TP nên xem xét cho người dân là F0 đã khỏi bệnh hoặc được tiêm 2 mũi vắc xin đã đủ ngày theo khuyến cáo được phép đi chợ trong khu vực tổ dân phố hoặc phường xã. "Khi đa dạng thêm lực lượng đi chợ sẽ giảm tải cho lực lượng shipper" - ông An nói.

Ngoài ra, theo ông An, có thể nới thêm thời gian cho các doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ ăn uống được hoạt động đến cả buối tối như bình thường để hạn chế mật độ mua bán ùn ứ, tập trung vào một thời điểm.

Đại diện một ứng dụng xe công nghệ đề xuất tăng số lượng cơ sở xét nghiệm, bao gồm cả phòng khám tư nhân, và kéo dài thời hạn sử dụng giấy xét nghiệm tài xế từ 2 ngày/lần lên 3 - 5 ngày. Với thu nhập 500.000 đồng/ngày, shipper có thể linh động chịu chi phí xét nghiệm nhanh khoảng 250.000 đồng, tức mỗi ngày mất chỉ 50.000 - 70.000 đồng. Như vậy, shipper chịu san sẻ ít chi phí giảm tải cho trạm xét nghiệm, tăng thời gian hoạt động trong ngày.

"Trường hợp không gia hạn kéo dài thời gian giấy xét nghiệm, cần giảm chi phí test xuống 100.000 đồng/lượt để chia sẻ chi phí giữa Nhà nước và nhân dân. Như vậy, shipper nhân viên siêu thị... sẽ dễ tiếp cận hơn, ngân sách cũng đỡ áp lực" - vị này đề xuất.

Shipper được xét nghiệm từ sáng đến tối

Chiều 20-9, ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho hay hai ngày vừa qua số lượng shipper đủ điều kiện đăng ký hoạt động trở lại rất lớn, khoảng 82.000 người. Với số lượng shipper hoạt động lại như vậy, TP đã thống nhất bắt đầu từ ngày 21-9 sẽ xét nghiệm cho shipper từ 6h-21h tại hơn 800 trạm y tế. Cũng không nhất thiết phải xét nghiệm trên địa bàn cư trú mà linh động điểm xét nghiệm thì sẽ không có tình trạng xếp hàng như hiện nay.

Các tin khác