Người dân chọn mua thực phẩm tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) chiều 13-6
Một số đơn vị điều chỉnh giá trứng đợt này gồm Công ty Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, C.P Việt Nam (chi nhánh 3 tại Đồng Nai), Công ty Đông Hưng, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op). Việc tăng giá được các ngành chức năng giải thích là dựa trên đề xuất của doanh nghiệp, cũng như diễn biến giá trứng bán thực tế khi giá nguyên liệu đầu vào đã tăng từ 30%-40%.
Việc tăng giá cũng hiển hiện rõ trong từng mớ rau, cân thịt... Tại quán bún bò nhỏ nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, chị chủ quán tên B.H. tâm sự: “Tôi đã phải tăng giá 10.000 đồng/tô so với năm 2021, nhưng cũng chỉ để bù trượt giá, vì lượng khách hầu như không tăng”. Anh Nguyễn Văn Thế, ngụ tại đường Lý Chính Thắng, quận 3, cho biết: “Nhà tôi phải bù thêm tiền chợ từ 1-1,5 triệu đồng/tháng nhưng vẫn thiếu. Nhiều lúc ra chợ không biết mua gì, vì đồ ăn tăng giá mạnh quá”.
Trao đổi nhanh với báo chí, lãnh đạo Vissan thông tin, hiện tại sức mua đang tăng dần, nhưng chưa bằng thời gian trước dịch Covid-19. Đã vậy, nguồn nguyên liệu đầu vào tăng giá đã tác động trực tiếp đến chi phí giá thành của sản phẩm, không những làm cho sức mua khó phục hồi mà còn làm khả năng “lại sức” của doanh nghiệp sau dịch khó hơn.
Trong bối cảnh này, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, sở sẽ tiếp tục theo dõi tình hình cung cầu, giá cả thị trường và sẽ huy động nhiều giải pháp để bình ổn thị trường. Song song đó, sẽ triển khai các chương trình khuyến mãi để tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, góp phần khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.