Đầu tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối.
![]() |
Một trong những sửa đổi thu hút sự quan tâm của dư luận là sẽ không hạn chế cá nhân vay và trả nợ nước ngoài. Cho đến nay, việc Chính phủ, doanh nghiệp vay nợ nước ngoài là bình thường. Riêng với cá nhân, Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 đã cho phép, nhưng chưa có hướng dẫn thực hiện.
Theo Điều 17 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005: “Người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng và cá nhân được vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ phù hợp với quy định của pháp luật”.
Vì thế, dù 8 năm qua quy định này chưa có hướng dẫn cụ thể, nhưng việc cá nhân vay ngoại tệ của người thân nước ngoài để gửi tiết kiệm, mua chứng khoán, nhà đất vẫn diễn ra. Cũng không ít trường hợp cá nhân vay vốn từ các ngân hàng, định chế tài chính nước ngoài thông qua pháp nhân để đầu tư làm ăn.
Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể, việc vay ngoại tệ từ nước ngoài vẫn ở dạng chui, không được thừa nhận. Điều đáng nói, trong khi nguồn vay vào khá dễ dãi, kênh trả nợ lại không hề đơn giản.
Lẽ thường trong kinh doanh “có vay, có trả”, nhưng với cá nhân khi vay ngoại tệ của nước ngoài thì dễ, đến lúc trả lại bị quản rất chặt. Hầu hết cá nhân nếu vay ngoại tệ khi trả đều phải nhờ đến kênh chuyển lậu.
Vì thế, việc UBTVQH sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối khẳng định lại quan điểm không hạn chế cá nhân vay và trả nợ nước ngoài, nhận được sự đồng tình của dư luận. Quy định này sẽ mở đường để thu hút lượng lớn ngoại hối từ tiền nhàn rỗi của Việt kiều cũng như các tổ chức từ nước ngoài gửi về đầu tư.
Hiện nay, nhiều Việt kiều có nhu cầu đầu tư vốn kinh doanh tại Việt Nam hoặc muốn cho thân nhân vay, mượn vốn nhưng không đủ điều kiện để đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Việc cho phép cá nhân được tự do vay nợ nước ngoài cũng sẽ giúp mở rộng nguồn vốn kinh doanh, giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ khi giảm những khoản vay bảo lãnh.
Tuy nhiên, có không ít quan điểm chưa đồng tình với quy định trên. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khi cá nhân vay ngoại tệ trong nước vẫn bị hạn chế nên chưa tính tới việc vay ngoại tệ ở nước ngoài. Tự do hóa vay nợ ngoại tệ cá nhân có thể làm ảnh hưởng tới nợ quốc gia.
Đây có lẽ cũng là lý do cơ quan quản lý chần chừ chưa đưa ra hướng dẫn trong thời gian dài vừa qua. Trong báo cáo giải trình dự thảo sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối trình UBTVQH cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã bày tỏ lo ngại việc cho phép cá nhân vay, trả nợ nước ngoài tiềm ẩn nhiều nguy cơ, địa vị pháp lý của cá nhân không đảm bảo có thể thực hiện nghĩa vụ vay và trả nợ đối với các khoản vay nước ngoài.
Bởi việc doanh nghiệp và tổ chức tín dụng vay vốn ngắn hạn nước ngoài chưa được quản lý chặt chẽ, sẽ khiến dòng vốn ngắn hạn từ nước ngoài được chuyển về Việt Nam không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh, mà chủ yếu để đầu cơ, hưởng chênh lệch lãi suất.
Giải trình trước UBTVQH, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, việc cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro, trường hợp không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia.
Tuy nhiên, ủy ban này cho rằng việc cho phép cá nhân thực hiện vay và trả nợ vay nước ngoài khi cá nhân có khả năng thu xếp được khoản vay và tự chịu trách nhiệm trả nợ là bảo đảm quyền chính đáng của người dân, đồng thời góp phần thu hút nguồn vốn ngoại tệ từ nước ngoài cho phát triển kinh tế. Vấn đề quan trọng cần được đặt ra là phải quản lý chặt chẽ việc cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài. Pháp lệnh sửa đổi đã giao nhiệm vụ này cho Chính phủ.
Có ý kiến đề nghị, để thống nhất quản lý, hạn chế rủi ro vĩ mô, nên áp dụng hình thức bắt buộc cá nhân đăng ký khoản vay ngoại tệ từ nước ngoài để cơ quan quản lý nắm bắt được dòng tiền ra vào. Bên cạnh đó, cần quy định cá nhân vay ngoại tệ của nước ngoài phải bán số ngoại tệ này cho ngân hàng, giúp tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Khi đến kỳ hạn trả nợ ngân hàng lại tạo điều kiện để họ chuyển VNĐ thành ngoại tệ để trả nợ. Một gợi ý khác đáng quan tâm là quy định việc mua ngoại tệ trả nợ nước ngoài phải theo lộ trình trả nợ cụ thể. Người trả nợ sẽ chuẩn bị được nguồn tiền trả nợ theo từng thời gian, không gây áp lực lên thị trường ngoại hối.