Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin về các vấn đề Syria, Triều Tiên, người ta kỳ vọng về một mối quan hệ nồng ấm trở lại giữa hai cường quốc. Đồng thời, các chuyển động gần đây giữa Nga và Đức - đầu tàu châu Âu - cũng đã nhen nhóm hy vọng phá băng mối quan hệ giữa Nga và phương Tây.
Điện đàm, hội đàm
Cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Trump hôm 2-5 là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ sau khi Mỹ tấn công một căn cứ không quân của Syria bằng tên lửa hành trình hồi đầu tháng 4.
Trước đó 2 tuần, cuộc gặp cấp Ngoại trưởng Nga - Mỹ cũng đã đạt được thỏa thuận không tái diễn những vụ tấn công của Mỹ tại Syria sắp tới, đồng thời hai bên cũng đồng ý mở điều tra về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria hồi đầu tháng 4.
Cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Trump hôm 2-5 là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ sau khi Mỹ tấn công một căn cứ không quân của Syria bằng tên lửa hành trình hồi đầu tháng 4.
Trước đó 2 tuần, cuộc gặp cấp Ngoại trưởng Nga - Mỹ cũng đã đạt được thỏa thuận không tái diễn những vụ tấn công của Mỹ tại Syria sắp tới, đồng thời hai bên cũng đồng ý mở điều tra về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria hồi đầu tháng 4.
Chuyến công du của ông Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là chuyến viếng thăm Nga đầu tiên của một quan chức cấp cao trong tân chính quyền Mỹ, mà giới quan sát bình luận là để bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước, điều mà ông Trump từng hứa hẹn khi vận động tranh cử tổng thống. Sau chuyến công du này, hai bên đồng ý lập một nhóm làm việc để hàn gắn mối quan hệ.
Cùng ngày 2-5, tại thành phố Sochi của Nga, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Putin. Đây là chuyến thăm đầu tiên của bà Merkel đến Nga kể từ khi cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine nổ ra và sau khi bán đảo Crimea sáp nhập trở lại vào LB Nga hồi năm 2014. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Putin tại thành phố Sochi của Nga, Thủ tướng Merkel đã nhấn mạnh rằng cuộc hội đàm với ông Putin diễn ra “mạnh mẽ” và gọi Nga là “đối tác xây dựng”. Bất chấp những vấn đề đang tồn tại trong quan hệ song phương, Mátxcơva và Berlin cần phải thường xuyên tiến hành đối thoại để hiểu nhau hơn.
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng bất chấp những phức tạp chính trị và sự bấp bênh của nền kinh tế toàn cầu, Đức vẫn là đối tác kinh tế hàng đầu của Nga, đồng thời bày tỏ mong muốn muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác với Đức trên nguyên tắc cùng có lợi, tôn trọng, bình đẳng và tính đến lợi ích của nhau. Thực tế cho thấy quan hệ hợp tác giữa Nga và Đức không chỉ liên quan đến số phận của một loạt doanh nghiệp và hàng trăm ngàn người, mà còn đóng góp quan trọng cho sự bình ổn nền kinh tế thế giới.
Theo giới quan sát, chuyến thăm của Thủ tướng Đức đến Nga lần này còn để chuẩn bị cho Hội nghị G20. Ông Putin cũng tuyên bố Mátxcơva sẵn sàng dành cho Berlin những hỗ trợ cần thiết trên cương vị Chủ tịch G20.
Hy vọng hòa giải
Không chỉ có Đức, Thủ tướng Italia Paolo Gentiloni có kế hoạch sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại khu nghỉ mát Sochi ở Biển Đen vào ngày 17-5 tới. Chính phủ Italia đang tìm cách để khôi phục Hội nghị thượng đỉnh G-7 thành G-8 với sự tham dự trở lại của Nga từ ngày 26 đến 27-5 tới tại Sicily, cũng như chấm dứt bầu không khí căng thẳng hiện nay. Trước đó, cuối tháng 4, đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Federica Mogherini đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Lavrov và đây được coi là nỗ lực của hai bên để cải thiện mối quan hệ đang bị ảnh hưởng nặng nề vì các lệnh trừng phạt lẫn nhau.
Những động thái của Mỹ và EU hướng về Nga, những chuyến công du “đầu tiên” của giới chức Mỹ và EU, xu hướng ủng hộ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga đang ngày một gia tăng ở phương Tây… một lần nữa nhen nhóm hy vọng các bên sẽ hóa giải căng thẳng trong tương lai gần. Tuy nhiên, theo giới quan sát, mối quan hệ giữa các bên có được bình thường hóa nhanh chóng hay không còn phụ thuộc tất yếu vào những động thái mang tính xây dựng dựa trên những nguyên tắc, luật pháp quốc tế, sự bình đẳng giữa Nga, Mỹ và EU.