Quản lý chặt chất lượng nhà chung cư

Tỷ lệ nhà chung cư trên diện tích đất ở Hà Nội có tỷ lệ cao nhất cả nước (16,64%), tuy nhiên, việc quản lý nhà chung cư và nhà chung cư tái định cư của Hà Nội còn nhiều vướng mắc, bất cập..

Tỷ lệ nhà chung cư trên diện tích đất ở Hà Nội có tỷ lệ cao nhất cả nước (16,64%), tuy nhiên, việc quản lý nhà chung cư và nhà chung cư tái định cư của Hà Nội còn nhiều vướng mắc, bất cập.. 

Sáng 25-9, đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP do Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc về thực hiện pháp luật trong quản lý nhà chung cư, đầu tư và quản lý nhà chung cư tái định cư trên địa bàn.

Tính đến cuối năm 2011, tổng diện tích nhà ở của Hà Nội đạt khoảng 139 triệu m2. Trong đó, tỷ lệ nhà chung cư ở Hà Nội cao nhất cả nước với tỷ lệ là 16,64%, cao hơn TPHCM (6,13%).

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cũng đề cập tới những khó khăn, bất cập xung quanh vấn đề quản lý nhà nước về nhà chung cư, mô hình quản lý của nhà chung cư…

Phó Giám  đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Dương Đức Tuấn cũng cho rằng, việc áp dụng mô hình quản lý nhà chung cư nói chung không nhất quán trong các dự án, do mỗi nhà chung cư có tính chất, chức năng khác nhau, như mô hình nhà ở hỗn hợp bao gồm cả căn hộ và các chức năng văn phòng, công cộng dịch vụ đan xen…

Sở Quy hoạch Kiến trúc đề nghị TP phải có quy chế về Ban quản trị các khu nhà chung cư. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì thành phần Ban Quản trị bao gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng nhà và  đại diện Chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý nhà chung cư.

Cần có tiêu chuẩn nhà chung cư tái định cư

Hà Nội có khoảng 80 dự án đầu tư nhà chung cư  tái định cư được triển khai, đáp ứng khoảng 20.000 căn hộ tái định cư. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà tái định cư hiện nay đang bị coi nhẹ về chất lượng, thiếu nội dung quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng, diện tích, đơn giá.

TP xác định dành 20% quỹ  đất tại các khu đô thị để tiến hành xây dựng nhà ở tái định cư. Tuy nhiên, có một số dự án được TP phê duyệt đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư nhưng sau đó lại được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc điều chỉnh quy hoạch, làm giảm tiến độ đầu tư xây dựng.

Ví dụ ở các khu tái định cư số 1 Cổ Nhuế – Xuân Đỉnh, Khu tái định cư Xuân La, Khu tái định cư tập trung Phú Diễn, Khu tái định cư phía Nam ga Phú Diễn… Điều này dẫn đến việc quỹ nhà tái định cư thực tế không kịp hoàn thiện để bố trí phục vụ giải phóng mặt bằng theo đúng yêu cầu.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Văn Hải đề nghị TP cho phép có nhiều hình thức đầu tư xây dựng nhà tái định cư như tái định cư tập trung, tái định cư riêng lẻ và xã hội hóa đầu tư xây dựng. Đồng thời, cho phép sử dụng thiết kế điển hình cho nhà chung cư tái định cư để giảm chi phí.

TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn về nhà ở chung cư tái định cư để xác định các thông số chất lượng công trình mang tính chất đặc thù.

Kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh, quy hoạch luôn phải đi trước một bước và thông qua giám sát sẽ phát hiện ra những bất cập đang tồn tại để tháo gỡ.

Thường trực HĐND TP Hà Nội sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân của các hạn chế trong công tác quản lý nhà chung cư, đầu tư và quản lý đối với nhà tái định cư. Từ đó đề xuất, kiến nghị với HĐND và UBND TP nhằm thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đồng thời phù hợp với thực tiễn của TP.

Các tin khác