Hệ thống được xây dựng từ năm 2016, với sự hợp tác giữa Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM (gọi tắt là Trung tâm) và Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), Sở KH-CN TPHCM.
Người mở đường
Người đầu tiên có những tìm tòi, trăn trở với GIS là cử nhân Nguyễn Đình Dũng, công tác tại Trung tâm. Hôm chúng tôi gặp, anh Dũng đang xuống quận 9 để giám sát tình hình dịch bệnh tại cơ sở cũng như nắm lại kết quả của việc ứng dụng phần mềm GIS được áp dụng tại địa bàn. Công tác ở Trung tâm từ năm 2013, anh Dũng được lãnh đạo Trung tâm tin tưởng giao trọng trách nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin địa lý và quản lý dịch bệnh trên địa bàn thành phố (nói cách khác là số hóa công tác thông tin và quản lý).
Lúc đầu nhận nhiệm vụ và đi vào nghiên cứu thực hiện, anh Dũng còn chưa biết phải gắn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin từ đâu để xây dựng phần mềm quản lý khoa học hiện đại, vì mọi thứ trước đây đều phải làm thủ công. Anh phải vừa làm vừa sửa chữa, khắc phục để có một phần mềm hoàn thiện nhất. Đến đầu năm 2016, với sự quyết tâm và sự hỗ trợ của đồng nghiệp, phần mềm GIS ra đời và được đưa vào ứng dụng thực tế với tên gọi: Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý vào quản lý dịch bệnh tại TPHCM.
Nhóm chuyên viên Trung tâm GIS, Sở KH-CN TPHCM quan sát các màu sắc trên “bản đồ số”.
Anh Dũng kể, sau khi “thai nghén” được 3 tháng, với sự vào cuộc của thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm và thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, bộ khung của phần mềm hoàn thành, bắt đầu được thí điểm tại 6 phường xã; sau 1 năm thì triển khai cho 24 quận huyện toàn thành phố. “Vì cần quản lý đến từng ca nhiễm bệnh, nên bản đồ phải chính xác đến từng hộ dân. Ngoài ra, phải làm sao để các thao tác trên phần mềm tối giản nhất để dễ sử dụng, đó là một trong những trăn trở mà chúng tôi đang nghiên cứu để hoàn thiện”, anh Dũng nói.
Chung tay vì cộng đồng
Đồng hành, giải bài toán “xây dựng bản đồ hành chính” với anh Nguyễn Đình Dũng là nhóm chuyên viên Khưu Minh Cảnh, Trương Minh Tùng và Lâm Quang Hà (GIS, Sở KH-CN TPHCM).
Từ những bản đồ giấy, các quận huyện, phường xã cung cấp, nhóm chuyên viên phải vẽ, định vị lại từng tổ, khu phố, ấp trên máy tính. Sau khi các bước phức tạp này hoàn thành, thông qua thuật toán, phần mềm có thể khoanh vùng ổ dịch tại các phường xã một cách tự động và nhanh chóng, giúp cơ quan chức năng có thể phản ứng kịp thời với mọi tình hình, diễn biến mới của dịch, bệnh.
Bên cạnh chức năng quản lý dịch tễ thông qua các chức năng quản trị hệ thống chuyên dụng, công cụ nhập xuất dữ liệu nhanh định dạng Excel, hệ thống này còn có thể quản lý các ca bệnh, báo cáo thống kê nhanh, khoanh vùng ổ dịch được chính xác và nhanh chóng hơn; từ đó, định hướng không gian ca bệnh trên bản đồ để hỗ trợ các công tác phun hóa chất, diệt muỗi… tại địa phương. Ngoài ra, phần mềm này còn giúp tăng độ chính xác, tránh các ca bệnh trùng lắp trong báo cáo thống kê do các đơn vị đưa lên.
Hàng ngày, các bệnh viện trên địa bàn TPHCM sẽ chuyển thông tin ca bệnh (tên, tuổi, địa chỉ, ngày phát bệnh, ngày nhập viện) về Trung tâm. Trung tâm sẽ nhập dữ liệu và chuyển thông tin ca bệnh về các phường xã, quận huyện thông qua phần mềm GIS. Tùy vào thời gian mắc bệnh và mức độ nguy hiểm, vị trí của người mắc bệnh sẽ hiện lên những màu sắc khác nhau (màu đỏ: nguy hiểm, màu xanh: an toàn…). Căn cứ vào màu sắc và những số liệu đi kèm, cơ quan chức năng sẽ có những đánh giá mức độ lan rộng của dịch bệnh để có kế hoạch xử lý phù hợp.
Ông Quách Đồng Thắng, Trưởng phòng Phát triển công nghệ, Sở KH-CN TPHCM, cho biết: “Trước đây, khi có dịch bệnh, cán bộ y tế tại các phường xã phải mất rất nhiều thời gian để thu thập dữ liệu, lập hồ sơ và báo cáo từng trường hợp nhằm khoanh vùng vùng dịch và tuyên truyền.
Nhưng nay, với phần mềm GIS, tất cả dữ liệu được đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp phường xã ngay khi nhận được thông tin từ bệnh viện hay trung tâm y tế. Các nhân viên y tế cũng có thể nhập thông tin về các ca dịch bệnh mới, hay tìm hiểu thông tin của bệnh nhân mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị điện tử…”.
Giới chuyên môn nhận định, phần mềm GIS là sáng kiến hay, khi áp dụng vào thực tế đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, làm giảm kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, hóa chất trong phòng dịch; giúp quản lý số liệu một cách đồng bộ và thống nhất; xử lý ổ dịch nhanh; giảm thiểu được các biểu mẫu hành chính.