Quản lý giá cả hàng hóa trước đợt tăng lương cơ sở 1/7

Trước đợt tăng lương cơ sở 1/7/2023, bên cạnh tâm lý phấn khởi thì người dân cũng quan ngại giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ trong đời sống hàng ngày cũng bị điều chỉnh tăng theo lương.
Người tiêu dùng tăng cường mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu thuộc nhóm hàng bình ổn thị trường. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Người tiêu dùng tăng cường mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu thuộc nhóm hàng bình ổn thị trường. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm thực hiện đợt tăng lương cơ sở 1/7/2023, cùng với các Bộ, ngành, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động nhiều giải pháp bình ổn giá cả, tránh tâm lý tác động đến việc tăng giá bất hợp lý.

Đặc biệt, thông qua đa dạng hoạt động khuyến mãi, giảm giá hàng hóa tiêu dùng thiếu yếu, ngành công thương thành phố đảm bảo công tác bình ổn thị trường giá cả.

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, việc quản lý giá luôn bám sát diễn biến thị trường, nhưng đối với những tình huống như tăng lương cơ sở hay một số diễn biến đặc biệt thì sẽ xây dựng kịch bản, kế hoạch với một số điều chỉnh cụ thể phù hợp với tình hình mới.

Bên cạnh đó, việc quản lý giá đảm bảo kiểm soát giá cả theo đúng mục tiêu lạm phát được Quốc hội đưa ra, đồng thời chú ý đến những mặt hàng chiến lược và tiêu dùng dùng thiết yếu trong đời sống.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện tại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 và kéo dài đến hết ngày 15/9/2023. Chương trình có sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp, trên 7.000 hoạt động khuyến mãi, với đa dạng hình thức kích cầu tiêu dùng.

Thông qua chương trình này, cộng đồng doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện đa dạng hoạt động giảm giá cho phong phú chủng loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Còn người tiêu dùng có thể "săn" những sản phẩm chất lượng với giá hấp dẫn, vì khung khuyến mãi lên đến 100% và là mức cao hơn nhiều chương trình khác trong năm.

Đáng chú ý, thời điểm đợt tăng lương cơ sở 1/7/2023 rơi vào thời gian diễn ra chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 của Thành phố Hồ Chí Minh, nên một số chuyên gia đánh giá sẽ đạt hiệu quả "kép" trong bình ổn thị trường giá cả và góp phần kiểm soát lạm phát. Bởi doanh nghiệp đồng loạt hưởng ứng chương trình, đưa sản phẩm ra thị trường với giá ưu đãi sẽ tạo làn sóng lan tỏa trên thị trường, hạn chế được tình trạng "tăng giá theo lương."

Theo chuyên gia, hiện sức mua trên thị trường duy trì mức thấp trong thời gian qua, cũng sẽ là rào cản nhất định đối với những đơn vị sản xuất kinh doanh muốn điều chỉnh giá trong thời điểm này. Mặc khác, thay vì chiến lược tăng giá thì nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh cho thấy hoạch định kế hoạch tăng doanh số bán hàng, mở rộng thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm hơn.

Nguồn cung hàng nông sản bình ổn giá dồi dào tại kênh bán lẻ hiện đại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ghi nhận thực tế trên thị trường, đồng hành cùng chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các nhà bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ hưởng ứng chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 của Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn tăng cường hai và ba hoạt động kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm.

Các nhà bán lẻ này, triển khai hoạt động kích cầu tiêu dùng ở hầu hết ngành hàng hoặc tập trung ưu đãi theo xu hướng tiêu dùng của thị trường.

Điển hình, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tổ chức chương trình khuyến mãi "Gia đình Việt-Đại sức Xanh" từ nay đến ngày 12/7, với 2.860 sản phẩm được giảm giá từ 28-60%. Trong số đó, hoạt động kích cầu tiêu dùng hưởng ứng “Shopping Season 2023-Thỏa sức mua-Đua sức sắm” có mức giảm giá đến 60%, áp dụng cho các sản phẩm công nghệ, may mặc, đồ dùng, hóa phẩm...

Song song đó, Saigon Co.op còn thực hiện hàng loạt hoạt động kích cầu tiêu dùng cho nhiều ngành hàng như sản phẩm công nghệ, đồ dùng, may mặc; thực phẩm tươi sống... Hay có thể kể đến những tiện ích mà Saigon Co.op tăng cường triển khai trong giai đoạn này, gồm: săn tem thưởng - đổi quà ngay; săn mã khuyến mãi từ 10.000-50.000 đồng...

Còn tại hệ thống trung tâm MM Mega Market hưởng ứng chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 của Thành phố Hồ Chí Minh mang đến hàng loạt ưu đãi lớn với hơn 2.000 mặt hàng. Theo đó, người tiêu dùng có thể tham gia mau sắm ưu đãi mua 2 tính tiền 1, giờ vàng giá sốc, khuyến mãi đồng giá 40.000 đồng, siêu sale cuối tuần với mức giảm lên đến 90% và nhân điểm tích lũy MCard.

Trong thời gian qua, MM Mega Market đã và đang triển khai hai chiến dịch về giá được xem là lớn nhất trong năm tại tất cả trung tâm MM Mega Market. Chiến dịch giá sỉ dành cho từ 40-50 mặt hàng thực phẩm tươi sống, với mức giá ưu đãi tốt như chợ đầu mối và danh mục hàng hóa sẽ được cập nhật liên tục sau 2 tuần. Chiến dịch khóa Giá dành cho từ 500-700 mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu ,với danh mục hàng hóa cập nhật sau 3 tháng.

Theo ông Bruno Jousselin, Tổng Giám Đốc Điều hành MM Mega Market, dự kiến từ tháng 7/2023, MM Mega Market sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch giá sỉ và khóa giá đợt 2 với sự tham gia của đa dạng mặt hàng thiết yếu và hàng nhãn riêng hơn.

Ngoài ra, MM Mega Market cũng phát triển sản phẩmt hương hiệu riêng và sản phẩm size khủng giá sỉ, nhằm đáp ứng những thay đổi về hành vi mua sắm của khách hàng sau đại dịch, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm với giá cả tối ưu nhất.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, nhiều người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, từ đầu năm 2023 đến nay, không chỉ giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có xu hướng tăng, mà nhiều sản phẩm, dịch vụ cũng được điều chỉnh theo xu hướng tăng.

Nên trước đợt tăng lương cơ sở 1/7/2023, bên cạnh tâm lý phấn khởi thì người dân cũng quan ngại giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ trong đời sống hàng ngày cũng bị điều chỉnh tăng theo lương.

Chị Thanh Xuân, cư ngụ tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, với bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay thì người dân rất mong chờ vào cơ chế chính sách bình ổn giá cả thị trường của chính quyền địa phương, cũng như sự chung tay của các bên liên quan trong quản lý giá và kiểm soát lạm phát.

Trong số đó, nếu cơ quan quản lý nhà nước đa kênh phân phối, bán lẻ trong chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu thì người dân có thể tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ưu đãi từ cơ chế chính sách bình ổn thị trường và đảm bảo đời sống tốt hơn thông qua thực hiện trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp.

Các tin khác