Trước thực tế này, Thành phố dự kiến cho sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo... có thu phí, sau khi đã chừa đủ tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ.
Nghiên cứu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khu vực kinh tế phi chính thức (bao gồm cả kinh tế vỉa hè) đã thu hút 11 triệu lao động, trong đó có những người lao động thấp, đặc biệt là tại TP.HCM. Vỉa hè giờ đây không chỉ nuôi sống bản thân họ mà cả gia đình.
Trước đề án thu phí một phần lòng đường, vỉa hè mà Sở GTVT TP.HCM đề xuất, bà Nguyễn Thị Oanh đã bán bánh mì hơn 20 năm nay tại vỉa hè trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 vẫn vui vẻ chấp nhận:
"Giờ già cả rồi giờ kêu cô nghỉ thì cũng không biết làm gì để sống thì cứ phải bám vào vỉa hè thôi. Cũng cũng bám mấy chục năm nay rồi. Cô thấy nếu mà sắp xếp cho mua bán mà thu phí thì cô thấy được".
Cùng đồng thuận với việc cho thuê vỉa hè, lòng đường, chị Ngọc Sương ngụ tại Quận 6 chia sẻ: "Nếu mà có chính sách đưa ra như vậy là chị mừng. Một tháng bao nhiêu tiền thì mình đóng góp cho ngân sách nhà nước để tu bổ đường xá là chị chấp nhận".
Dưới góc nhìn của Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải, Trường đại học Việt Đức, việc triển khai đề án là điều cần thiết, đặc biệt cho đô thị hiện đại như TP.HCM:
"Đề án này hết sức cấp thiết, để quản lý đô thị hướng tới văn minh hiện đại khai thác hiệu quả không gian hỗ trợ cho phát triển giao thông đô thị cũng như không gian công cộng. Để hướng tới thành phố thông minh đáng sống thì giao thông công cộng phải phát triển. Muốn được vậy thì hạ tầng cho người đi bộ phải được đảm bảo. Vỉa hè không chỉ có chức năng cho người đi bộ mà nó còn có nhiều chức năng khác".
Việc cho thuê vỉa hè, lòng đường trong thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều trăn trở, nhất là đối với những người lao động yếu thế
Tuy nhiên việc cho thuê vỉa hè, lòng đường trong thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều trăn trở, nhất là đối với những người lao động yếu thế.
Bà Nguyễn Thị Út sau khi bị mất việc làm tại Công ty PouYuen, bà đã mua một chiếc xe đẩy bán nước hè phố. Thế nhưng khi nghe thông tin dự kiến thu phí của TP.HCM, bà không khỏi lo lắng: "Khó khăn quá mà, làm ăn dịch mới vừa hết mà giờ thu phí nữa thấy nó cũng sống ở đất thành phố này nó là cái gì cũng phải là mua sắm hết trơn, gạo chợ nước sông mà theo nó thu phí này nữa, quá là khó khăn cho người dân, thiệt đó".
Riêng với trường hợp của anh Trần Công Nhân, ngụ tại Quận 3 thì trước đây, gia đình anh đã nhường một phần đất để mở rộng vỉa hè, vậy nên trước đề xuất thu phí của thành phố anh không đồng ý: "Hồi đó tôi nhường vỉa hè mà giờ bắt tôi đóng thuế là sao, không được. Hồi đó tôi làm vỉa hè đường này là 7/3 rồi đó, có đất đai tôi cống hiến cho rồi mà giờ bắt đóng, nộp thuế là không".
Bên cạnh đó cũng không ít ý kiến băn khoăn rằng liệu việc thu phí có minh bạch hay không, thu rồi thì việc quản lý kinh doanh, quản lý vỉa hè được thực hiện ra sao, có đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, văn minh đô thị hay không…?
Việc thu phí sử dụng vỉa hè như một “lời giải” được xem hữu hiệu cho bài toán quản lý vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, việc đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên từ vỉa hè cần cân nhắc và tính toán kỹ
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết những yếu tố này cần được nghiên cứu đánh giá dựa trên thực tế ở từng nơi. Nếu được triển khai kỹ lưỡng, có quy hoạch rõ ràng, công khai, minh bạch không chỉ giúp ổn định trật tự lòng lề đường mà còn tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, hạn chế tình trạng bát nháo, bảo kê hiện nay.
"Với một đề án như thế này thì mọi việc sẽ được cụ thể, rõ ràng minh bạch. Và qua đó việc khai thác sử dụng vỉa hè hay lòng đường thì sẽ trật tự hơn. Góp phần cho việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo được nguồn kinh phí nhất định để phục vụ cho lợi ích kinh tế xã hội", ông Hưng cho biết.
Có thể thấy việc kinh doanh trên vỉa hè đã có tiền lệ, không chỉ ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chỉ vì chưa thừa nhận kinh tế vỉa hè đã dẫn đến hậu quả cho TP.HCM cũng như một số địa phương khác là kinh doanh lộn xộn, lại khó quản lý, gây mất an ninh trật tự, cản trở giao thông.
Việc thu phí sử dụng vỉa hè như một “lời giải” được xem hữu hiệu cho bài toán quản lý vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, việc đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên từ vỉa hè cần cân nhắc và tính toán kỹ.
Ngoài ra khi đề án được thông qua, các sở ngành cần phải thực hiện nghiêm túc, minh bạch, triệt để mới hy vọng có thể thoát khỏi định kiến bấy lâu nay về việc “đòi lại vỉa hè” là chỉ “đánh trống bỏ dùi”, hay “bắt cóc bỏ đĩa”.