Thống kê sơ bộ cho thấy năm 2014 có khoảng 300 vụ án xét xử liên quan đến hoạt động NH. Trong 8 vụ án kinh tế trọng điểm được đưa ra xét xử trước đại Đại hội XII có tới 4 vụ liên quan tới lĩnh vực NH. Các NH đã mất hàng chục ngàn tỷ đồng bởi các vụ lừa đảo, hàng trăm ngàn tỷ đồng bởi nợ xấu. Các TCTD vốn có một hệ thống được xem là kiểm soát chặt chẽ nhất lại là một trong những lỗ hổng nghiêm trọng nhất.
Xét xử nhiều vụ liên quan đến NH
Dự kiến trong tháng 10-2015, Tòa án Nhân dân TPHCM sẽ đưa ra xét xử vụ án cho vay sai quy định tại Agribank làm thiệt hại của Nhà nước 966 tỷ đồng. Đây là 1 trong 8 vụ án trọng điểm sẽ được đưa ra xét xử. Thông tin ban đầu cho biết, có 5 trong số 11 bị can trong vụ xét xử là lãnh đạo và nhân viên Agribank TPHCM chi nhánh 6. Cụ thể, bị can Dương Thanh Cường, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tấn Phát, đã chỉ đạo lập hồ sơ vay của Agribank chi nhánh 6 với số tiền tổng cộng 798 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là một số giấy tờ bất động sản, nhưng sau đó các bị can đã dùng các giấy tờ này mang đến NH Phương Nam thế chấp vay tiền và gán luôn cho NH này. Quá trình giao dịch, các bị can mới trả được hơn 107 tỷ đồng khoản tiền Công ty Tấn Phát đã vay. Tổng số còn chiếm đoạt là hơn 564 tỷ đồng.
Để việc tái cấu trúc hệ thống NH Việt Nam thành công, hệ thống tài chính lành mạnh, một trong những mục tiêu quan trọng nhất là bít lỗ sân sau. Điều này đòi hỏi không chỉ cần có chính sách, pháp luật hiệu quả, mà đòi hỏi sự minh bạch trong hoạt động của NH lẫn cơ quan quản lý. |
Còn nhớ vào tháng 8-2015, HĐXX TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên phạt 27 bị cáo liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD xảy ra tại Công ty Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) và các NH. Trong đó có đến 25 bị cáo là cán bộ công tác tại các NH bị cáo buộc “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD”, làm thiệt hại gần 785 tỷ đồng. Bên cạnh những vụ án được gọi là "trọng án", gần đây hàng loạt sai phạm liên quan đến hoạt động tín dụng của cán bộ, nhân viên ngành NH cũng liên tục được đưa ra xét xử. Chẳng hạn những ngày đầu tháng 10-2015, Viện KSND tối cao vừa có cáo trạng truy tố 8 bị can nguyên là lãnh đạo, nhân viên NH Thương mại Cổ phần Việt Á - chi nhánh Bạc Liêu về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD.
Thời gian vừa qua một loạt lãnh đạo NH đã bị bắt như các lãnh đạo của 3 NH OceanBank, GPBank và NH Xây dựng. Đây đều là những NH được cho là đã bị âm vốn chủ sở hữu gây thất thoát lớn trong hoạt động tín dụng và không có khả năng tự phục hồi. Trước đó, năm 2014, thị trường cũng chứng kiến những “đại án” liên quan đến lĩnh vực NH như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Một thống kê sơ bộ cho thấy năm 2014 có đến 300 vụ án liên quan đến hoạt động NH được đưa ra xét xử. Tổng số tiền thiệt hại cho nền kinh tế liên quan đến các vụ án này lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Trước đó trong 10 vụ án được xem là đại án về kinh tế có tới 9 vụ liên quan đến hoạt động tín dụng NH.
“Bổng” cao rủi ro lớn
Lãnh dạo NH thường có lương cao, “bổng” nhiều nhưng đi kèm với đó là rủi ro không hề nhỏ. Việc một loạt lãnh đạo NH rơi vào vòng lao lý trong thời gian qua là nỗi ám ảnh không nhỏ cho bất kỳ một lãnh đạo NH nào. Gần đây một CEO có tiếng trong ngành cũng phải buộc thôi chức và NHNN phải can thiệp kiểm soát đặc biệt để xử lý những sai phạm trong hoạt động cho vay những năm về trước của nhà băng. Việc 3 NH bị mua lại với giá 0 đồng đều đã bị âm vốn chủ sở hữu do nợ xấu cao mà một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu chính là cho vay thiếu kiểm soát chặt chẽ.
Trong một lần chia sẻ với ĐTTC, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng NH có trách nhiệm giám định dự án có khả thi, có khả năng hoàn trả vốn hay không và phải làm nghiêm túc trước khi tiến hành cho vay. NH không nghiêm túc trong vấn đề giám định sẽ xảy ra việc cho vay mà không thu hồi được vốn. Kẽ hở lớn của hệ thống NH là khâu giám định dự án chưa được thực hiện tốt. Vấn đề này không chỉ riêng NH nào mà phần đông NH đều gặp phải do việc thẩm định chưa tới nơi tới chốn, dẫn đến cho vay không có khả năng thu hồi. Bên cạnh đó, trong thời gian qua với sự khó khăn của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên khó trả nợ. Một vị phó tổng giám đốc chịu trách nhiệm tài chính của một NH phía Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn từng chia sẻ, sở dĩ nợ xấu của NH tăng cao cũng có phần nguyên nhân đến từ việc tín dụng tăng trưởng nóng, trong khi số lượng và chất lượng nhân sự hạn chế, không theo sát được quá trình thẩm định vốn, mục đích vay và hiệu quả của việc sử dụng vốn vay.
Như vậy, một phần nguyên nhân khiến các NH mất tiền, nợ xấu cao là do yếu kém trong vấn đề quản lý và nguyên nhân khách quan từ những diễn biến xấu của nền kinh tế. Tuy vậy, một nguyên nhân không thể không nhắc đến là những rủi ro đạo đức trong hoạt động NH. Những vụ án được đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua có yếu tố “làm trái quy định” hoặc “lừa đảo”. Rõ ràng trong nhiều trường hợp lãnh đạo NH, nhân viên tín dụng biết rõ những sai phạm của mình nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Ảnh minh họa: L.THANH |
Trước đây NH vốn được xem là một lĩnh vực hấp dẫn đối với nhiều “đại gia”, bởi tỷ suất lợi nhuận trung bình của NH thấp hơn nhiều so với các ngành nghề khác nhưng sự hấp dẫn này chính là nguồn vốn dồi dào mà các NH có được từ huy động. Mặc dù việc vay vốn của lãnh đạo, cổ đông lớn của NH bị pháp luật hạn chế, tuy nhiên thực tế vẫn rất nhiều “ông chủ” NH vẫn sử dụng quyền lực của mình để lấy vốn từ NH cho vay các doanh nghiệp sân sau. Điều này đã được chứng minh qua việc phần lớn những vụ án NH, hay những NH yếu kém trong thời gian qua đều có liên quan đến việc cho vay những doanh nghiệp sân sau này.