Theo thống kê chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ riêng trong năm 2020, ung thư đã cướp đi sinh mạng của 10 triệu người trên toàn thế giới.
Không khác Covid-19, ung thư tồn tại được nhờ khả năng tạo đột biến. Một khi các tế bào ung thư đã phân tán trong cơ thể người ở giai đoạn nặng, việc loại bỏ từng tế bào ung thư bằng phẫu thuật là bất khả thi. Việc sử dụng các dạng thuốc để điều trị giai đoạn muộn như hóa trị hoặc liệu pháp miễn dịch, chỉ có thể phục vụ mục đích khu trú ung thư và kéo dài tuổi thọ, không thể loại bỏ hoặc chữa khỏi vĩnh viễn. Khi bản sao chi phối của tế bào ung thư đang được một loại thuốc dùng trong phác đồ điều trị phá hủy, một bản sao đột biến khác rất nhỏ sẽ tiếp quản và kháng thuốc. Cứ như thế, nhân bản mới của tế bào ung thư tiếp tục có mặt trong cơ thể người.
Nhưng xét về tiến hóa, đột biến lại là điều tốt vì nó thúc đẩy sự sống sót của những người khỏe mạnh nhất. Không giống như virus Sars-CoV-2, các đột biến trong tự nhiên xảy ra giữa động vật và thực vật không thu hút được sự chú ý của mọi người, vì quá trình này diễn ra chậm không thể nhận ra. Nó diễn ra trong hàng trăm ngàn năm. Tuy nhiên, con virus đã làm trong đại dịch là thực hiện quá trình đột biến này ở nhịp độ siêu tốc. Điều thường xảy ra trong hàng trăm thiên niên kỷ nay giảm xuống còn vài tháng.
Theo các nhà nghiên cứu y khoa, dù có nhiều biến thể của virus gây bệnh Covid-19 trên thế giới, nhưng bất kỳ người nào bị nhiễm tại bất kỳ thời điểm nào hầu như luôn mang biến thể duy nhất. Trong bệnh ung thư, nhiều biến thể di truyền của ung thư tồn tại cùng lúc trong cơ thể của một bệnh nhân. Cả virus Sars-CoV-2 và tế bào ung thư đều không ổn định về mặt di truyền và tạo ra các đột biến mới nhanh chóng. Vì thế, việc tiêu diệt toàn bộ và vĩnh viễn tất cả tế bào ung thư ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đòi hỏi phải loại bỏ đồng thời tất cả biến thể của ung thư trong cơ thể. Điều này tương tự việc loại bỏ tất cả biến thể của virus Sars-CoV-2 trên thế giới chỉ trong một trận đánh. Cho đến nay, dù có nhiều tiến bộ trong trong y khoa, nhân loại vẫn chưa thể chữa khỏi bệnh ung thư giai đoạn cuối. Trước mắt con người vẫn phải chấp nhận sự tồn tại của ung thư và nay là Covid-19 và duy trì cuộc sống của mình trong trạng thái bình thường nhất có thể.
***
Đầu năm mới Nhâm Dần, Bộ Y tế Singapore (MOH) phê duyệt việc sử dụng loại thuốc dạng viên uống đầu tiên để điều trị Covid-19 từ nhẹ đến trung bình ở bệnh nhân người lớn có nguy cơ cao tiến triển thành bệnh nặng, nhằm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong. Thuốc được dùng 2 lần/ngày trong suốt 5 ngày, kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng Covid-19. Những người có nguy cơ cao sẽ được ưu tiên sử dụng thuốc. Các dữ liệu lâm sàng cho thấy loại thuốc này có thể làm giảm 88,9% tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong. Thuốc cũng có khả năng chống lại các biến thể phổ biến như Delta và Omicron.
Với càng nhiều hơn các loại thuốc đặc trị cùng với tỷ lệ tiêm chủng cao và hệ thống chăm sóc sức khỏe được chuẩn bị tốt và linh hoạt, Singapore có đủ khả năng để nới lỏng các biện pháp nhằm tiếp tục trên quỹ đạo chung sống với Covid-19. Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia y tế, các biện pháp giãn cách xã hội như hạn chế số lượng người tham gia các hoạt động ngoài trời, thậm chí cả việc đeo khẩu trang ở ngoài trời có lẽ không còn cần thiết nữa. Với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, việc theo dõi tiếp xúc không còn mang lại nhiều giá trị, đặc biệt là vì mọi người có thể lây bệnh khi không có triệu chứng.
Theo GS. Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc NUS, sống chung với Covid-19 đặc hữu có nghĩa phải tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống chăm sóc sức khỏe để đối phó với bất kỳ sự gia tăng không mong muốn nào, cho dù Omicron hay các biến thể khác trong tương lai mang lại. Nếu không, các quốc gia sẽ vĩnh viễn ở trong tình trạng trì trệ. Singapore đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp cần thiết, cả về cơ sở hạ tầng và nhân lực, để chuẩn bị cho những đợt nhập viện có thể xảy ra. Hầu hết chuyên gia đều cho rằng với sự lây lan nhanh chóng của Omicron, không loại trừ khả năng mọi người dân trên đảo quốc sẽ bị nhiễm bệnh trong vài tháng tới.
***
“Xét nghiệm Covid-19 dương tính? - Phục hồi tại nhà nếu bạn có nguy cơ thấp và triệu chứng nhẹ hoặc không có. Tự cách ly ít nhất 72 giờ. Không cần gặp bác sĩ. Bạn có thể tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) 72 giờ sau đó và tiếp tục sinh hoạt bình thường nếu ART âm tính và không cần bác sĩ xác nhận để trở lại làm việc/đi học. Nhưng nếu bạn có nguy cơ cao hoặc cao tuổi, hãy gặp bác sĩ ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe”. Tin nhắn này của chính phủ với từng người dân cho thấy Singapore đang trên con đường bình thường hóa bất chấp số ca nhiễm lên đến cả chục ngàn trong những ngày đón năm mới Âm lịch. Các khu thương mại đã nhộn nhịp trở lại và du khách nước ngoài đã tham gia đám đông mua sắm ở các trung tâm du lịch như Phố Tàu hay Tiểu Ấn.
Ra ngoài thoải mái, giao lưu tiếp xúc, chi tiêu tại cửa hàng và địa điểm ăn uống và cố gắng sống bình thường nhất có thể, với nguyên tắc luôn giữ an toàn với khẩu trang và thực hành vệ sinh cá nhân. Có lẽ đó là cách duy nhất để giúp duy trì và phát triển kinh tế trong lúc biến thể virus chưa mất đi. Tuy nhiên, cuộc sống dù có hay không có Covid-19 vẫn đòi hỏi trách nhiệm xã hội của cá nhân trong chừng mực nào đó. Có lẽ đó chính là lý do chính phủ Singapore vẫn chưa thực sự nới lỏng hoàn toàn các yêu cầu về đeo khẩu trang hay tập trung quá đông người.
Trong thông điệp đầu năm mới, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết 2022 là thời điểm chuyển giao với nền kinh tế đang phục hồi ổn định sau 2 năm đại dịch. Người Singapore sẽ bước vào cuộc chơi mới với đợt tăng thuế hàng hóa và dịch vụ cho ngân sách 2022 trong tháng 2 này. Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu và người dân phải tiếp tục học cách sống chung với virus. Trong chiều hướng đó, đại dịch sẽ sớm đến hồi kết và con người phải cố gắng quẳng những gánh lo Covid và những phiền muộn vốn dĩ trên cõi trần này mà vui sống.