Quảng Ngãi hiện có hơn 250 di tích được kiểm kê, lập hồ sơ với nhiều loại hình khác nhau, đến nay đã có 7 di sản văn hóa được Bộ VH-TT-DL và UNESCO vinh danh, gồm: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê, Lễ hội Điện Trường Bà, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội đua thuyền Tứ Linh huyện đảo Lý Sơn, Nghệ thuật Cồng chiêng dân tộc Cor huyện Trà Bồng, Nghệ thuật trình diễn Chiêng Ba của người Hrê (Di sản phi vật thể quốc gia), Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam (Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại).
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Lễ hội đua thuyền tứ linh huyện Lý Sơn được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Trong giai đoạn 2013-2018, đã có 93 di tích được sửa chữa, bảo tồn và phục hồi. Tuy nhiên, việc đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo vẫn còn nhiều khó khăn nên quy mô và nguồn lực đầu tư để phát huy giá trị di tích còn hạn chế.
Công tác bảo vệ di tích ở một số địa phương hiện chưa quan tâm đúng mức, thiếu chặt chẽ, chưa huy động được nguồn lực của các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân tham gia bảo vệ phát huy các di tích tại địa phương.
Với mục tiêu giữ gìn, bảo vệ và phát huy tốt giá trị di tích, giáo dục truyền thống yêu nước, văn hóa, cách mạng cho các thế hệ mai sau. Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030 phân chia làm 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn năm 2022-2025, mục tiêu thực hiện bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học (bao gồm số hóa lý lịch di tích, bản đồ khoanh vùng, cắm mốc giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho 28-40 di tích đã được cấp xếp hạng, trung bình từ 7-10 di tích/năm.
Giai đoạn này cũng thực hiện đầu tư tôn tạo và chống xuống cấp cho 7 di tích Quốc gia và 46 di tích cấp tỉnh bị xuống cấp cần tôn tạo cấp thiết, tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học cho 46 di tích đã được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ, đăng ký hoặc xếp hạng.
Giai đoạn năm 2026-2030, mục tiêu thực hiện bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học (bao gồm số hóa lý lịch di tích, bản đồ khoanh vùng, cắm mốc giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho 59-75 di tích đã được cấp xếp hạng, trung bình từ 12-15 di tích/năm.
Đồng thời, thực hiện đầu tư tôn tạo và chống xuống cấp cho 9 di tích Quốc gia và 44 di tích cấp tỉnh bị xuống cấp cần tôn tạo cấp thiết, tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học cho 30 di tích đã được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ, đăng ký hoặc xếp hạng.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai công tác bảo tồn, trùng tu tôn tạo các di tích bị xuống cấp, đầu tư xây dựng bia di tích cho một số di tích mới xếp hạng, định hướng quy hoạch, dự án đầu tư bảo tồn, phát huy một số di tích cấp Quốc gia và cấp tỉnh, góp phần phát triển du lịch.